Theo Bộ GD&ĐT, số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 năm 2024 trên hệ thống là 673.586 em, tăng 58.116 thí sinh so với năm 2023. Tuy nhiên, số thí sinh xác nhận nhập học 551.479, chiếm 81,87% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Như vậy, có đến 122.107 thí sinh từ chối không nhập học đại học dù đã trúng tuyển đại học, chiếm tỉ lệ 18,13%.
Đáng chú ý, theo quy định của Bộ GD&ĐT, 27/8 là ngày cuối cùng để những thí sinh trúng tuyển chính thức vào các trường đại học và các trường cao đẳng ngành giáo dục mầm non ở đợt 1 thực hiện xác nhận nhập học trực tuyến.
Việc xác nhận nhập học này được thực hiện trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo tài khoản cá nhân của từng thí sinh.
Sau khi xác nhận trực tuyến, thí sinh mới được làm thủ tục nhập học trực tiếp tại các cơ sở đào tạo.
Nếu đến 17h ngày 27/8, thí sinh không xác nhận nhập học trên hệ thống xem như từ chối nhập học.
Lưu ý từ ngày 28/8 đến tháng 12/2024, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung có thể tìm hiểu thông tin theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin của các trường đại học, nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại cơ sở đào tạo đó.
Đã có hàng chục trường thông báo xét tuyển bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu, trong đó có cả những trường đại học tốp đầu.
Theo Người Lao Động Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển bổ sung 70 chỉ tiêu, trong đó 60 chỉ tiêu ở ngành Quản trị và An ninh; 10 chỉ tiêu ở ngành Quản trị doanh nghiệp và công nghệ.
Nam nay, thí sinh muốn xét tuyển vào trường phải vượt qua vòng sơ tuyển, bao gồm đánh giá hồ sơ và bài luận; đánh giá trí tuệ thông minh cảm xúc (EQ).
Trường xét kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với thí sinh có điểm từ 22 trở lên với tổ hợp A01, D01, D07, D08, trong đó môn tiếng Anh đạt từ 6 trở lên hoặc có IELTS từ 4.5 hoặc tương tương trở lên.
Năm 2024, Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận 733.652 thí sinh đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Theo số liệu trên VTV về số lượng ngành đào tạo, năm nay có khoảng gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực. Đáng chú ý, năm 2024, khối khoa học giáo dục - đào tạo giáo viên có số lượng thí sinh đăng ký rất đông, tăng 85% so với 2023.
Tiếp đến, lĩnh vực Khoa học tự nhiên có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng 61%. Lĩnh vực An ninh quốc phòng tăng 46,5%.
Một số lĩnh vực có số lượng nguyện vọng giảm như: Kinh doanh quản lý giảm 3%; Máy tính và Công nghệ thông tin giảm khoảng 5%.
Trúc Chi (t/h)