Vì sao sát hạn cuối đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vẫn có tới 1/3 số thí sinh chưa nhập nguyện vọng?
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến 17h ngày 20/8 - hạn cuối để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là 616.044 (với tổng số lượng nguyện vọng là 3.094.572). Trong khi tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2022 là 941.760 em.
Như vậy, năm nay có đến 325.716 em không nhập nguyện vọng lên hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc các thí sinh này đã bỏ việc xét tuyển đại học đợt 1 năm 2022.
Theo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), suốt quá trình thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay hệ thống hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hiện bộ chưa đưa ra nhận định vì sao có đến hàng trăm ngàn thí sinh từ chối đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống, Tuổi Trẻ Online thông tin.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi với Vietnamnet, khá bất ngờ với con số này. Tuy nhiên, theo ông Đức, đây lại là tín hiệu tích cực. Bởi điều này cho thấy các bạn trẻ đã có định hướng rõ ràng hơn tương lai của mình.
“Vào đại học và có bằng đại học đâu phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Hiện nhu cầu thợ lành nghề đang rất cao nên nếu thấy năng lực không phù hợp học đại học mà phù hợp với học nghề hơn thì việc xác định và đăng ký học nghề ngay từ đầu cũng là một lựa chọn tốt”, GS Nguyễn Đình Đức cho biết.
Một chuyên gia về giáo dục đại học khác cho rằng việc chỉ khoảng hơn 610.000 trên tổng số gần 1 triệu thí sinh tốt nghiệp THPT đăng ký vào đại học là việc bình thường, khi các em có những tính toán, định hướng khác sau khi biết điểm thi. Theo vị này, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là năm nay thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp THPT mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
“Mọi năm, do việc đăng ký nguyện vọng “mò” trước khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT cũng khiến thí sinh thiếu căn cứ và có thể nói cứ đăng ký ào ào. Năm nay, khi Bộ GD-ĐT điều chỉnh việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển sau khi có điểm thi cũng giúp thí sinh định hình được cơ hội vào đại học hay không của mình rõ hơn”, vị này nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, một nguyên nhân khác cũng có thể dẫn tới điều này là năm nay khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hơn 2 năm trước cũng tạo điều kiện để các học sinh du học nhiều hơn. Đây cũng là yếu tố khiến lượng thí sinh nhập nguyện vọng thấp hơn so với đăng ký ban đầu.
“Năm nay, với diễn biến của việc tuyển sinh như vậy, chính ra lại tiết kiệm cho xã hội, cả công sức lẫn tiền bạc”, vị này nói.
Thí sinh có chủ quan?
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (quyền hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM) nhận định với con số hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống thật sự là điều bất thường.
"Thời gian qua cá nhân tôi rất nhiều lần giải thích với thí sinh về quy trình đăng ký xét tuyển trực tuyến của Bộ GD&ĐT năm nay hoàn toàn khác với mọi năm. Theo đó, tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển (kể cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển tại các trường) đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống (trừ thí sinh trúng tuyển thẳng theo điều 8 của quy chế nếu đã xác nhận nhập học trên hệ thống)" - ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho rằng trên thực tế tuyển sinh năm nay với quá nhiều phương thức xét tuyển, các thí sinh đã nhận giấy báo trúng tuyển sớm có điều kiện từ các trường nên có thể các em nghĩ rằng đã chắc chắn đậu đại học như mọi năm nên không cần đăng ký gì nữa. Đây là sai lầm của thí sinh.
Bên cạnh đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM) phân tích có nhiều lý do dẫn đến việc có đến 1/3 thí sinh bỏ đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống.
"Tôi nhiều lần tiếp xúc với thí sinh, nhiều em cho biết sẽ chọn học nghề thay vì đại học vì học phí đại học năm nay tăng quá cao. Thu nhập của người dân ở vùng nông thôn cả nhà chưa đủ sức nuôi con học đại học ở các thành phố lớn. Yếu tố thứ hai là sau mùa đại dịch Covid-19, nay hầu hết các trường đại học ở các nước đều đã mở cửa trở lại, do đó những học sinh giỏi, gia đình có điều kiện kinh tế tốt đã chọn đi du học. Sau hai năm không ra nước ngoài được, năm nay số lượng học sinh VN ra nước ngoài du học sẽ rất đông, khả năng lên đến gần cả 100.000. Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định thời gian xét tuyển quá trễ nên hiện những em chọn con đường du học đã ra nước ngoài nhập học", ông Dũng nói.
Ông Dũng chia sẻ thêm, yếu tố thứ ba là quy trình đăng ký xét tuyển, lọc "ảo" chung của Bộ GD&ĐT năm qua quá phức tạp khiến nhiều thí sinh, đặc biệt là các em ở vùng khó khăn không nắm bắt hết được. Khi học sinh tốt nghiệp THPT thì sở GD&ĐT và ngay cả các trường THPT thường rất khó để liên lạc với các em được để thông tin, hướng dẫn kịp thời. Trong khi không phải thí sinh nào cũng có thói quen đọc báo nên có thể các em không nắm rõ được các quy định về tuyển sinh vô cùng mới mẻ năm nay.
"Bên cạnh đó, có thể một số trường đại học cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh và cố tình làm trái quy chế của các trường đại học. Theo đó, với xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực...), nếu các trường không đúng theo quy định hướng dẫn của bộ và cho phép thí sinh đóng tiền học phí và nhập học sớm thì số thí sinh này hiện cũng không cần đăng ký nguyện vọng lại trên hệ thống chung nữa", ông Dũng nói thêm.
Kết thúc đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh cần làm gì?
Không yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trước 16/9: Năm 2022 là năm đầu tiên thí sinh đăng ký xét tuyển tất cả các nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển khác nhau lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT hoàn toàn theo hình thức trực tuyến.
Tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển (kể cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển tại các trường) đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD&ĐT (trừ thí sinh trúng tuyển thẳng theo điều 8 của quy chế nếu đã xác nhận nhập học trên hệ thống).
Sau 17h ngày 20/8, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang các quy trình tiếp theo, và khi đó thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng nữa.
Quy trình xét tuyển đợt 1 sẽ được thực hiện từ ngày 1/9 đến 17h ngày 15/9. Các trường sẽ lần lượt công bố điểm chuẩn, đồng thời thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 trước 17h ngày 17/9.
Sau khi có kết quả xét tuyển đợt 1, thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16/9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 30/9.
Bộ GD&ĐT lưu ý các trường phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định: Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại trường (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống) sau khi lọc ảo lần cuối cùng vào ngày 15/9, các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.
Đồng thời, bộ cũng yêu cầu các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16/9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 30/9.
Hỗ trợ thí sinh: Bộ GD&ĐT đã đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT chuẩn bị sẵn sàng và chủ động triển khai công tác hỗ trợ thí sinh trong các việc phổ biến, hướng dẫn thí sinh về cách thức nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống; nhắc nhở thí sinh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thanh toán trực tuyến theo tài liệu hướng dẫn thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển.
Đồng thời chuẩn bị phương án sẵn sàng hỗ trợ thanh toán giúp thí sinh (trên giao diện phần mềm thanh toán của thí sinh) trong trường hợp thí sinh không thể tự thực hiện, đặc biệt là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Phương thức nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến: Năm 2022 cũng là năm đầu tiên tổ chức thu lệ phí xét tuyển trực tuyến trên hệ thống thisinh.thithptquocgia.edu.vn.
Từ ngày 21/8 đến 17h ngày 28/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến đối với các nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển (đối với các nguyện vọng theo phương thức xét tuyển khác, thực hiện theo quy định của các trường).
Đến thời điểm đó, hệ thống mới mở chức năng nộp lệ phí xét tuyển để thí sinh vào nộp lệ phí. Bộ GD&ĐT cũng quy định thí sinh chưa xác nhận số lượng và thứ tự nguyện vọng, chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống xét tuyển chưa chấp nhận đăng ký của thí sinh.
Bộ GD&ĐT đã phân chia lịch mở hệ thống thanh toán theo các tỉnh/thành (dựa trên phiếu đăng ký của thí sinh), cụ thể:
- Từ ngày 21/8 đến 17h ngày 26/8, hệ thống sẽ mở để phục vụ thí sinh ở các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.
- Từ ngày 22/8 đến 17h ngày 27/8, hệ thống sẽ mở để phục vụ thí sinh ở các tỉnh/thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum.
- Từ ngày 23/8 đến 17h ngày 28/8 dành cho thí sinh thuộc các tỉnh/thành phố còn lại.
Trúc Chi (t/h)