Theo Zing, 22 địa phương đang triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 12-17 tuổi, gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tp.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Đến nay, các địa phương này đã tiêm được 1.832.424 liều vắc-xin cho trẻ, gồm có 1.828.095 liều mũi 1 và 4.329 liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 20% dân số từ 12-17 tuổi.
"Chủ trương tiêm vắc-xin cho trẻ dựa trên cơ sở đánh giá chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiên cứu mức độ an toàn, hiệu quả vắc-xin với trẻ em của Hội đồng tư vấn về sử dụng vắc-xin và Hội đồng cấp phép vắc-xin. 36 nước đã tiêm vắc-xin cho trẻ, sử dụng rộng rãi nhất là vắc-xin của Pfizer. Vì vậy, Bộ Y tế mới đi đến quyết định tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin với VnExpress về vấn đề tiêm vắc-xin cho trẻ.
Tp.HCM là địa phương tiêm cho trẻ đầu tiên, số lượng tiêm nhiều nhất, với hơn 660.000 liều. Kế tiếp là các tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương, Cà Mau... hơn 100.000 liều. Tại Tp.HCM, sau khi tiêm hơn 500.000 trẻ, thống kê kết quả cho thấy đều an toàn, không có trường hợp phản ứng nặng, ít trường hợp phản ứng nhẹ thông thường. Các khâu như khám sàng lọc, tổ chức tiêm, theo dõi trẻ sau tiêm... đều được nâng cao hơn một mức.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ tháng 3 đến nay, Việt Nam đã phân bổ 93 đợt vắc-xin phòng Covid-19 với tổng số gần 135 triệu liều. Trong đó, vắc-xin Sinopharm chiếm nhiều nhất với 48,5 triệu liều, tiếp đến là AstraZenca với hơn 46,7 triệu liều, vắc-xin Pfizer và Moderna hơn 33,3 triệu liều, còn lại là vắc-xin Abdala và Sputnik V.
Đến nay vắc-xin được tiếp nhận từ 4 nguồn gồm: 63,9 triệu liều mua từ ngân sách nhà nước; hơn 28 triệu liều từ nguồn viện trợ COVAX và 16,2 triệu liều từ chính phủ các nước viện trợ. Ngoài ra, còn có 26,6 triệu liều do doanh nghiệp tài trợ.
Theo thông tin trên Zing, dữ liệu cập nhật cho thấy cả nước đã tiêm hơn 109 triệu mũi (chiếm hơn 80% số lượng vắc-xin được phân bổ), gồm khoảng 67 triệu mũi 1 và khoảng 42 triệu mũi 2.
Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin đến nay là 89,9%; tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vắc-xin là 56,9% người số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 82,2% và 48,6%; miền Trung là 87,4% và 40,1%; Tây Nguyên là 86,6% và 18,6%; miền Nam là 97,3% và 73,8%.
Có 58 tỉnh, thành phố đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Trong số này, 22 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ trên 95% là: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
5 địa phương có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Thanh Hóa (53,6%), Sơn La (57,7%), Nghệ An (61,1%), Nam Định (64,4%) và Quảng Bình (68,4%).
Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai và Long An là 4 tỉnh có tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên 90% người dân từ 18 tuổi.
Bộ Y tế đánh giá đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, số ca nhiễm cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca không có triệu chứng, không rõ nguồn lây, liên quan người trở về từ vùng dịch.
Do đó Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương tăng cường biện pháp giám sát dịch bệnh; kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, truy vết; sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động tại khu vực DScao.
Đồng thời trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng; chuẩn hóa, liên thông dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố sẽ rà soát, thống kê các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi để chuẩn bị xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3 với các trường hợp đủ thời gian, ưu tiên người trên 50 tuổi.
Minh Hoa (t/h)