Thiết bị cảm biến được thiết kế để đo lưu lượng khí đi qua cánh máy bay, nhưng nếu như thiết bị cảm biến không hoạt động, máy bay có thể mất lực và mất tính năng điều khiển.
Các chuyên gia hàng không quốc tế trả lời hãng tin RT cho biết vấn đề này có thể xảy ra đối với bất kỳ loại máy bay nào. Bi kịch Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tình trạng lỗi “ống pitot” – thiết bị cảm biến lưu lượng khí quan trọng dùng để đo vận tốc, Elmar Giemulla – chuyên gia người Đức đi đầu trong nghiên cứu luật hàng không giải thích.
Năm 1996, một chiếc Boeing 757 của hãng hàng không Birgenair Thổ Nhĩ Kỳ đã mất lực và lao xuống biển Caribe vì lỗi tắc ống pitot. Một lỗi kỹ thuật tương tự cũng xảy ra đối với chiếc Airbus A330 của hãng Air France khiến chiếc máy bay này lao xuống Đại Tây Dương năm 2009.
Theo chuyên gia Giemulla, mặc dù vấn đề này không phải là mới song không rõ Boeing đã làm cách nào để xử lý. “Không thể nào mà Boeing không biết về vấn đề này”, chuyên gia người Đức nhấn mạnh, cảnh báo “hơn 200 chiếc máy bay cần được chú ý và chuyện này có thể xảy ra một lần nữa trong nay mai". “Có quá nhiều sự kiện trong thực tế xảy ra lỗi ống pitot khiến tôi thấy ngạc nhiên là loại máy bay mới này cũng mắc phải lỗi này”, Giemulla bày tỏ. Tuy nhiên, vị chuyên gia này không tin đây là một vụ bao che, mà chỉ là do “sự chủ quan” của hãng sản xuất.
Chiếc 737 MAX 8 số hiệu 610 của hãng hàng không Lion Air bất ngờ lao xuống vùng biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta, khiến toàn bộ 189 người trên chuyến bay thiệt mạng. Các nhà điều tra cho biết có thể máy tính chiếc MAX đọc sai dữ liệu khiến chiếc máy bay giảm độ cao đột ngột.
Trong khi đó, phóng viên phụ trách lĩnh vực hàng không David Learmont ở Anh lại cho rằng nguyên nhân dẫn đến thảm kịch 737 MAX tại Indonesia là do bảo trì kém hoặc do lỗi của phi công.
Ông giải thích phi công thường được huấn luyện để xử lý các thông tin nhầm lẫn do thiết bị cảm ứng hoặc hệ thống máy tính có vấn đề. “Nếu như phi công nhận ra vấn đề, họ có thể tách biệt phần hệ thống bị lỗi và điều khiển máy bay theo cách truyền thống”, ông David giải thích. Không chỉ có vậy, hãng hàng không Lion Air đã biết thiết bị cảm biến lỗi cần thay thế nhưng ‘họ tin rằng họ đã sửa được lỗi”.
Theo ông Edward Sait - CEO của hãng hàng không Lion Air, vào tối hôm 28/10, phi công của chiếc máy bay Boeing 737 MAX khi đó đang trên hành trình từ Denpasar tới Jakarta đã báo cáo máy bay có gặp một vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh các kỹ sư đã khắc phục được sự cố và đảm bảo máy bay hoàn toàn an toàn khi cất cánh vào sáng 29/10.
Theo Tin tức