Cụ thể, vào sáng nay 12/8, khi toàn bộ công nhân khoảng hơn 2.000 người, đến công ty TNHH KaiYang (địa chỉ tại số 196 đường Hoàng Quốc Việt, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, TP.Hải Phòng) để làm việc thì phát hiện công ty đã bị niêm phong tài sản.
Đến khoảng 8h30, công nhân mới được phép vào trong các phân xưởng để lấy đồ đạc cá nhân, nhưng phải chịu sự giám sát chặt chẽ của lực lượng bảo vệ và các nhân viên của ngân hàng SeABank.
Hàng ngàn công nhân tập trung trước cổng và khu vực xung quanh gây tắc nghẽn cục bộ đường Hoàng Quốc Việt. Sau khi lực lượng chức năng nỗ lực điều tiết, tình trạng ách tắc mới được giải quyết.
Theo tìm hiểu, công ty TNHH KaiYang là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất giày da, hoạt động từ năm 2005. Tháng 7 vừa qua, chủ sử dụng lao động liên tục thúc ép công nhân tăng ca sản xuất, lương trung bình của người lao động tháng 7 khoảng 9-10 triệu đồng/người. Với hơn 2.200 lao động, tổng số lương doanh nghiệp chưa trả là hơn 20 tỷ đồng.
Theo lịch, doanh nghiệp trả lương cho công nhân vào ngày 10 mỗi tháng nhưng ngày 10/8 vừa qua vẫn chưa thấy "động tĩnh" gì. Ngày Chủ nhật (11/8), một số bộ phận vẫn làm việc, tuy nhiên tới tối thì chủ doanh cùng bộ phận quản lý người Đài Loan đã rời khỏi nhà máy.
Bà Chu Thị Kim Oanh - Chủ tịch công đoàn công ty KaiYang Việt Nam cho biết, hiện các công nhân đã được ổn định tâm lý. Trước mắt, công ty sẽ cho công nhân tạm nghỉ việc một thời gian cho đến khi có thông tin mới. Công đoàn công ty sẽ thông báo cụ thể đến từng người.
Ông Trần Văn Quý - Chủ tịch UBND quận Kiến An thông tin, quận đã phối hợp với liên đoàn Lao động thành phố gặp gỡ, trấn an công nhân công ty sau khi chủ doanh nghiệp rời khỏi nhà máy.
Theo ông Quý, dự kiến ngày 14/8, tổng giám đốc công ty mẹ của doanh nghiệp này sẽ từ Đài Loan sang. Cơ quan chức năng sẽ làm việc với đại diện này để thống nhất việc chi trả lương tháng 7 và đảm bảo việc làm cho người lao động.
Phó Chủ tịch liên đoàn Lao động Hải Phòng - ông Hoàng Đình Long nói thêm, chủ doanh nghiệp ở Đài Loan hứa ngày 14/8 sẽ sang giải quyết tiền lương cho công nhân, đồng thời sẽ liên hệ với một doanh nghiệp khác để tiếp quản và duy trì sản xuất của công ty.
Theo ông Long, cơ quan chức năng đã có các biện pháp quản lý tài sản và nhà xưởng của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng chi trả lương cho người lao động, cơ quan chức năng sẽ kiến nghị thành phố xử lý tài sản này thanh toán các khoản công nợ, trong đó việc chi trả lương công nhân sẽ được ưu tiên hàng đầu.