Báo cáo tình hình khám chữa bệnh của bộ Y tế cho thấy, từ ngày 29 Tết (14/2) đến 7h mùng 4 Tết (19/2), các bệnh viện trong cả nước đã khám, cấp cứu khoảng 24.000 trường hợp tai nạn giao thông. Riêng mùng 3 Tết có gần 7.000 ca tai nạn giao thông nhập viện, tăng 2% so với cùng thời điểm Tết năm 2017. Trong đó, 33 bệnh nhân tử vong dù đã được cấp cứu tại bệnh viện, tăng gần 50% so với cùng thời điểm Tết năm 2017.
Trong ngày mùng 3 Tết (18/2), có 750 trường hợp phải nhập viện cấp cứu do đánh nhau, 11 ca nhập viện do tai nạn pháo nổ hoặc chất nổ khác. Lũy kế từ 29 Tết đến hết mùng 3 Tết, có hơn 2.000 bệnh nhân nhập viện do “ẩu đả” và gần 200 trường hợp tai nạn do pháo nổ.
Có 53 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, tăng 27 trường hợp (103,8%) so với 26 ca trong 3 ngày Tết 2017, không có ca tử vong. Đến 7h ngày 19/2 (mùng 4 Tết), còn hơn 90.000 người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện.
Tổng số ca khám rối loạn tiêu hóa là gần 1.300 trường hợp, trong đó 388 trường hợp là ngộ độc (say) rượu (chiếm 25%), 239 trường hợp do ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.
Tại khoa Cấp cứu, trung tâm Chống độc - bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nặng cấp cứu tăng mạnh so với ngày thường. Các ca bệnh chủ yếu do hô hấp, tai biến, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp; các ca ngộ độc do thực phẩm, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, sốc do ma túy và ngộ độc rượu là bệnh nhân trẻ trong độ tuổi lao động, nhiều trường hợp phải xin về vì tiên lượng sẽ tử vong...
Cho đến ngày mùng 5 Tết, khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu gần 400 ca bệnh trong tình trạng rất nặng; trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cấp cứu điều trị 26 trường hợp ngộ độc liên quan đến rượu, thực phẩm không đảm bảo gây nhiễm khuẩn, ma túy tổng hợp. Điều đáng nói, có nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu tiên lượng dè dặt, người thân phải xin về nhà, đã có 5 người tử vong do ngộ độc rượu.
N.Giang