Hơn 2,2 triệu lao động rời thành phố về quê

Hơn 2,2 triệu lao động rời thành phố về quê

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 4, 29/12/2021 11:42

Sau hai đợt giãn cách xã hội kéo dài, người lao động rời thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục từ tháng 7 đến nay.

Kỳ vọng phục hồi trong quý I/2022

Sáng 29/12, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt là quý III/2021) đã tác động tiêu cực đến gia tăng số lượng doanh nghiệp.

Tính riêng quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021.

Kết quả này nhờ vào việc triển khai kịp thời Nghị quyết số 128, góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

“Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021”, đại diện Tổng cục Thống kê cho hay.

Kinh tế vĩ mô - Hơn 2,2 triệu lao động rời thành phố về quê

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân một tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2021 (Ảnh: Hữu Thắng).

Tính chung năm 2021, cả nước có gần 117 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611 nghìn tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước.  Nếu tính cả 2.525 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43,5 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là 4.136 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 43,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm trước. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Đặc biệt, trong năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%, trong đó có 14,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20,7%. Bình quân một tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đánh giá về những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn nhiều nhất về vốn để sản xuất kinh doanh, tiềm lực tài chính có hạn càng khiến các doanh nghiệp này gặp khó khăn hơn khi dịch bùng phát.

Về kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2021 cho thấy, có 44% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý III/2021; 31,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 24,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

“Dự kiến quý I/2022, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn”, Tổng cục Thống kê nêu.

Hơn 2,2 triệu người rời thành phố về quê

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số trung bình của Việt Nam năm 2021 là 98,51 triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Bên cạnh đó, tỉ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng.

Tình hình lao động, việc làm quý IV/2021 khởi sắc so với quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm tính chung năm 2021 cao hơn năm trước, trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 là 50,5 triệu người, giảm 0,8% so với năm trước; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,6 triệu người, giảm 1,5%; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49 triệu người.

Kinh tế vĩ mô - Hơn 2,2 triệu lao động rời thành phố về quê (Hình 2).

Tổng số lao động về quê tránh dịch đã hơn 2,2 triệu người (Ảnh: Phạm Tùng).

Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước năm 2021 ước tính là 3,22%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%; khu vực nông thôn là 2,48%. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,1%, trong đó tỉ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,33%; tỉ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,96%.

Ước tính thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73 nghìn đồng so với năm 2020; tỉ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020.

Tại cuộc họp, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động cho biết, lực lượng lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ.

“Sau hai đợt giãn cách xã hội kéo dài, người lao động rời thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục từ tháng 7 đến nay. Tính từ tháng 7 đến 15/9/2021, có hơn 1,3 triệu người lao động rời các khu trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Tp.HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh,… về quê. Và số liệu đến 15/12, thêm 900.000 người lao động nữa cũng đã di chuyển về quê. Như vậy, tổng số lao động về quê tránh dịch đã hơn 2,2 triệu người”, ông Nam thông tin.

Nhận định về tình hình thu hút ngược lao động về lại trung tâm công nghiệp, thành phố lớn, ông Nam cho rằng đây là “vấn đề khá nan giải khi bởi tâm lý lưỡng lự, e ngại của người dân, nhất là việc phục hồi kinh tế của doanh nghiệp vẫn còn chậm”.

Xem thêm: GDP năm 2021 tăng trưởng 2,58%

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.