Xu hướng chia nhỏ học sinh
Theo báo cáo của sở GD&ĐT, ngành luôn luôn trong tình trạng thiếu biên chế và kinh phí mua sắm, sửa chữa nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học.
Nguyên nhân chủ yếu là do các trường học có xu hướng chia nhỏ số học sinh để tăng số lớp từ đó dẫn đến thiếu giáo viên nên phải tổ chức dạy tăng giờ và hợp đồng thêm giáo viên. Do vậy, kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục không đầu tư cho mua sắm, sửa chữa mà chỉ tập trung để trả lương hợp đồng và tăng giờ.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã cho rà soát, sắp xếp lại trường, lớp để giảm nhu cầu của giáo viên, tập trung nguồn lực cho nâng cấp cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo, từ ngày 1/7 sẽ chấm dứt hợp đồng với 264 giáo viên đang dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cũng thống nhất chủ trương cấp kinh phí để giải quyết hết các chế độ cho số giáo viên này theo đề xuất của sở GD&ĐT (gồm 116 giáo viên hợp đồng năm học 2016 - 2017; và 148 giáo viên hợp đồng năm học 2017-2018).
Ngoài ra, UBND các huyện, TP.Cà Mau chỉ đạo thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đối với những giáo viên dôi dư so với biên chế được giao do từng trường, từng địa phương tự ý hợp đồng mà chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh.
Chuyển từ thừa sang thiếu
Để đảm bảo giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc của ngành GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở GD&ĐT cùng các đơn vị có liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ về sắp xếp trường, lớp, giáo viên.
Cụ thể, về biên chế giáo dục đối với các cấp học, ở khối tiểu học là 33 em/lớp (không quá 35 em/lớp); khối THCS và THPT là 42 em/lớp (không quá 45 em/lớp). Từ đó, xác định số lớp của từng trường, làm cơ sở xác định số biên chế.
Bên cạnh đó, các trường trực thuộc sở GD&ĐT tạm thời giữ nguyên biên chế của các trường chuyên biệt (trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, trường PTDT Nội trú và trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển).
Riêng đối với 634 điểm trường lẻ, Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho sở GD&ĐT cùng UBND các huyện, TP.Cà Mau rà soát, xóa các điểm trường lẻ, giữ lại những điểm trường lẻ khối mầm non và cấp tiểu học do quá xa điểm trường trung tâm và điều kiện giao thông đi lại quá khó khăn.
Đồng thời, giao UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã, phối hợp ban giám hiệu các trường tuyên truyền, vận động để người dân trên địa bàn hiểu và cho con em về học tại điểm trường trung tâm. Việc xóa điểm trường lẻ sẽ góp phần giảm biên chế, tập trung nguồn lực đầu tư và nâng chất lượng giảng dạy.
Sau khi xác định cụ thể số biên chế của từng trường, tiến hành điều chuyển, sắp xếp giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn để chuyển giáo viên cấp tiểu học và THCS thừa xuống cấp học mầm non; giải quyết chính sách đối với những người lớn tuổi, dôi dư hoặc không đáp ứng được yêu cầu.