Ngày 27/9, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “An toàn thông tin và mối đe dọa tới nền kinh tế” nhằm phân tích đánh giá thực trạng và đưa ra kiến nghị để đảm bảo an ninh mạng Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) đã cùng nhau phân tích đánh giá về hàng loạt vụ tấn công có chủ đích nhằm vào các hệ thống có tên miền ".vn" gần đây. Theo thống kê, có tới 40% số website tại Việt Nam đang tồn tại lỗ hổng an ninh mạng và trung bình mỗi tháng lại có hơn 300 Website của các doanh nghiệp, tổ chức trong nước bị tấn công, cứ 10 website thì có 1 website có thể bị tấn công. Đó chỉ là "bề nổi", còn thực tế số lượng lớn hơn rất nhiều.
Thống kê của VNCERT thì cho thấy chỉ trong nửa đầu năm 2016, tổng số sự cố an ninh mạng được VNCERT ghi nhận đã là 127.630 sự cố (gồm 8.758 sự cố Phishing, 77.160 sự cố Deface và 41.712 sự cố Malware), gấp hơn 4 lần so tổng sự cố an ninh mạng được trung tâm này ghi nhận trong năm 2015 và gấp gần 6,5 lần số sự cố diễn ra trong năm 2014. Với thực trạng này, không chỉ người dùng, doanh nghiệp mà cả Chính phủ đã phải nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc về vấn đề an toàn thông tin.
Tháng 7 vừa qua là tháng điển hình cho những vụ tấn công liên tiếp với quy mô lớn của nhóm hacker. Nghiêm trọng nhất là ngày 27/9, khi Vietnam Airlines đã bị tấn công thay đổi thông tin (Deface), dữ liệu của 400.000 khách hàng Bông Sen Vàng đã bị rò rỉ lên mạng. Đồng thời, những thông tin, hình ảnh ở hai sân bay lớn nhất của nước ta là Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng bị thay đổi bằng những hình ảnh, âm thanh xuyên tạc về Biển Đông. Chỉ trong một tháng gần 10 vụ mất tiền trong tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Sự việc đặc biệt nghiêm trọng khi một khách hàng của Vietcombank đã bị rút mất 500 triệu chỉ trong 1 đêm.
Qua thực trạng trên cho thấy , các nhóm hacker ngày càng được nâng cao về trình độ, kỹ năng tấn công. Trong khi đó, sự non nớt của các doanh nghiệp, sự thiếu hụt trong quản trị nhân lực CNTT cao cấp và chủ quan trước những cảnh báo về bảo mật. Đó là những lí do chính dẫn đến việc các website bị tấn công trong thời gian qua.
Theo Tiến sỹ Mai Liêm Trực thì tuy cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam ở mức khá nhưng phần data – cơ sở hạ tầng dữ liệu lại ở mức cơ bản, liên thông liên kết yếu dẫn tới an toàn an ninh thông tin của Việt Nam cũng yếu là điều dễ hiểu.
Được biết, mới đây Bộ TT&TT cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức triển khai hoạt động tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá bảo đảm an toàn thông tin mạng, phần cứng, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng nhằm đánh giá tổng thể mức độ an toàn thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố, lỗ hổng, ngăn chặn, bóc gỡ mã độc tấn công vào hệ thống mạng.
Xuân Khải