Chia sẻ về tình hình dịch bệnh trong mùa đông–xuân 2017, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) nhận định: Thời tiết thay đổi thất thường, cũng là mùa lễ hội nên nhiều địa điểm tập trung đông người. Việc gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hay gặp như: Cúm, ho gà, viêm não virus, viêm màng não do mô cầu, tiêu chảy, tay chân miệng, liên cầu lợn...
Các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập, bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Các bệnh có vắc-xin tiêm chủng phòng bệnh tiếp tục ghi nhận rải rác tại các vùng có tỉ lệ tiêm chủng chưa cao, không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.
Hiện nay, bệnh sởi đang trở thành mối quan tâm của không ít người khi các ca mắc đã xuất hiện, thậm chí có ca tử vong.
Trước tình hình đó, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin, tính tới thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước có ghi nhận ca sởi, cao nhất ở TP.Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An…
Ông Dương cũng cho hay, không có các ổ bệnh lớn tập trung mà chỉ rải rác nhưng ở diện rộng. Các cấp chính quyền phải căng mình trong công tác quản lý cũng như phòng ngừa bệnh.
Trong số các ca mắc bệnh sởi từ đầu năm đến nay, có tới 43% ca bệnh ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, độ tuổi chưa được tiêm chủng. Theo đánh giá của ông Dương, đây là vấn đề rất quan ngại.
Cùng bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ năm 2010 đến nay, đã có 1.865 ca mắc sởi, trong đó có 15 ca tử vong. Chỉ tính riêng năm 2014 (năm có dịch sởi) đã có 1.741 ca mắc với 14 ca tử vong.
Năm 2017, tính tới thời điểm hiện tại, TP.Hà Nội đã ghi nhận 45 trường hợp mắc sởi và 1 trường hợp tử vong có liên quan tới sởi.
Ông Cảm cho biết thêm, trong tháng Chín, tháng Mười, số người mắc bệnh sởi có dấu hiệu tăng. Trung bình 1 tuần có 4-5 trường hợp dương tính với sởi phân bố rải rác trên 21 quận, huyện của thành phố, tập trung chủ yếu ở nội thành do dân số đông.
Bên cạnh đó, trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ em TP.Hà Nội luôn đạt trên 96% mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn còn 32.634 trẻ chưa tiêm sởi trong khoảng thời gian này. Đó là nhóm đối tượng có nguy cơ bị sởi.
Trong số những trẻ em không được tiêm chủng, 14% hoãn tiêm do ốm; 11% gia đình quên lịch, không tiêm; 38% chưa đến tuổi tiêm; 13% không đủ sức khỏe (bệnh bẩm sinh).
“Để chủ động ứng phó dịch sởi tại TP.Hà Nội, chúng ta phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch mùa đông–xuân. Rà soát đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố trong tháng 11/2017; tổ chức tiêm chủng bổ sung hàng tuần, đồng thời thực hiện tiêm chủng thường xuyên tại các trạm Y tế, mỗi tuần 1–2 ngày”, ông Cảm nói.
Nguyễn Huệ