Ngày 20/8, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) cùng Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya đã tổ chức buổi họp báo trực tuyến nhằm cung cấp thông tin về vắc xin Sputnik V.
Theo đại diện của quỹ RDIF, hơn 40.000 người dự kiến sẽ tham gia vào thử nghiệm trên tại 45 trung tâm y tế tại Nga.
Trong buổi họp báo, các quan chức của RDIF và viện Gamaleya đã chia sẻ các thông tin về cơ chế hoạt động của vắc xin Sputnik V và cho biết vắc xin này sử dụng công nghệ véc-tơ vi rút adeno.
Theo phía Nga, công nghệ này đã được nghiên cứu từ hàng chục năm qua và đã chứng minh được tính hiệu quả. Cách tiếp cận sử dụng công nghệ vi rút adeno cũng đã được áp dụng trong cuộc chiến chống lại nhiều mầm bệnh khác nhau.
Ngoài ra, RDIF cho biết những vắc xin dùng công nghệ trên đã được chứng minh là không gây ra rủi ro lâu dài về mặt sức khỏe, bao gồm không có nguy cơ gây ung thư và không có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Ngoài ra, phía Nga cho biết, công nghệ sử dụng véc-tơ vi rút adeno ở người đang được các công ty dược phẩm lớn trên thế giới nghiên cứu và sử dụng trong điều chế vắc xin ngừa vi rút corona.
Ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vắcxin ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga đã được đăng ký và sẽ sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn tới.
"Theo những gì tôi biết, sáng hôm nay lần đầu tiên trên thế giới một loại vắcxin ngừa COVID-19 đã được đăng ký. Tôi biết vắcxin hoạt động đủ hiệu quả, tạo ra được miễn dịch ổn định, và xin lặp lại, đã vượt qua mọi khâu kiểm định", ông Putin nói đầy tự hào hôm 11/8.
Tiếp theo đó nhà lãnh đạo Nga yêu cầu Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko thông tin thêm chi tiết về phát minh mới cho các thành viên chính phủ.
Trước đó, Bộ trưởng Murashko thông báo loại vắcxin do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ và vi sinh vật học Gamaleya của Nga phát triển đã hoàn thành mọi giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Quan chức Nga cho biết đã nhận được yêu cầu đặt hàng từ hơn 20 quốc gia sau khi điều chế thành công vaccine chống Covid-19 đầu tiên.