Hơn 60 năm giữ kỷ vật của cha từ chiến trường Điện Biên Phủ

Hơn 60 năm giữ kỷ vật của cha từ chiến trường Điện Biên Phủ

Hà Thị Hằng

Hà Thị Hằng

Thứ 2, 07/05/2018 18:55

Đã hơn 60 năm nay, chiếc bồ tải gạo của cha đem về từ chiến trường Điện Biên Phủ được ông Nguyễn Cơ Sở gìn giữ cẩn thận. Với mong muốn giữ mãi cho muôn đời sau, ông Sở đã quyết định hiến tặng kỷ vật này cho bảo tàng Quân Khu IV.

Đau đáu kỷ vật của cha góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo chân đại úy Nguyễn Hữu Hoành, cán bộ bảo tàng Quân Khu IV, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Cơ Sở (SN 1946), trú tại xóm 1, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đã hơn 60 năm trôi qua, vợ chồng ông Sở luôn cất giữ cẩn thận chiếc bồ đựng gạo, đó là kỷ vật người cha để lại. 

Hơn 60 năm giữ kỷ vật của cha từ chiến trường Điện Biên Phủ

Gần 60 năm, ông Nguyễn Cơ Sở gìn giữ kỷ vật của người cha cẩn thận. 

Theo lời ông Sở, năm 1966, ông Nguyễn Đình (SN 1920), bố của ông đã qua đời. Trước khi mất, ông Đình dặn dò ông giữ lại chiếc bồ tải gạo cho con cháu sau này tưởng nhớ về chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiếc bồ này được ông Đình dùng để gùi gạo lên cho bộ đội ở chiến trường Điện Biên Phủ. Nó được làm bằng giang (lớp vỏ cứng ngoài cùng của thân cây giang – PV), vành được thắt bằng mây, cao khoảng 50cm.

Theo đó, cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp ở Tây Bắc bước vào giai đoạn quyết định, nhu cầu lương thực, đạn dược, thuốc men,… vô cùng lớn. Để góp phần công sức vào cuộc chiến Điện Biên Phủ người dân xã Quỳnh Hoa cùng nhau góp gạo, muối,…tiếp tế cho bộ đội ở chiến trường này.

“Chú Nguyễn Diên, em trai bố tôi, tham gia bộ đội tại Đại đội 308 ở Điện Biên Phủ. Bố tôi cũng tình nguyện làm dân công gùi lương thực tiếp thế cho chiến trường này. Thời điểm đó, người dân xã Quỳnh Hoa góp 600kg gạo, 100kg muối. 20 dân công trong xã phải vận chuyển mỗi người gánh 30kg gạo, 5kg muối, vượt chặng đường dài từ Quỳnh Lưu sang Lào, rồi lên vượt hàng trăm km lên chiến trường Điện Biên Phủ tiếp tế lương thực cho bộ đội”, ông Nguyễn Cơ Sở nhớ lại.

Hơn 60 năm giữ kỷ vật của cha từ chiến trường Điện Biên Phủ (Hình 2).

Dân công xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An dùng chiếc bồ tải gạo để tiếp tế lương thực cho bộ đội ở chiến trường Điện Biên Phủ. 

Đoàn dân công xã Quỳnh Hoa gùi lương thực đến khu vực tiếp giáp nước Lào, địa hình nơi đây hiểm trở, dốc cao, sông suối nhiều nên buộc dân công phải chuyển hàng bằng hình thức khác.

“Đi qua những đoạn suối thì phải đổ gạo vào bồ gùi trên lưng để đảm bảo không bị ướt và ẩm. Chiếc đòn gánh trở thành chiếc gậy giúp dân công vượt qua sông suối và địa hình dốc cao. Nhiệm vụ của người dân công phải đảm bảo nguyên vẹn lương thực khi lên chiến trường. Họ sẽ tự túc một phần lương thực hoặc được bà con nhân dân trên đường ra Điện Biên tiếp tế hàng ngày”, ông Sở bùi ngùi nhớ lại lời cha mình kể.

Ròng rã suốt nửa năm trời, ông Đình cùng người dân xã Quỳnh Hoa vượt qua bao nhiêu khó khăn vất vả đưa những hạt gạo nghĩa tình cho bộ đội ăn no, đánh chắc thắng. Ông Nguyễn Đình ở lại Điện Biên phục vụ kháng chiến cho đến ngày chiến dịch toàn thắng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đình mang theo chiếc bồ về làm vật kỷ niệm. Trước khi mất, ông Đình dặn dò ông Sở gìn giữ kỷ vật cẩn thận để cho con cháu biết đến công lao của thế hệ đi trước.

Tiếp bước cha, năm 1972, ông Nguyễn Cơ Sở tham gia Đoàn 559, trở thành người lính vận chuyển lương thực, khí tài ra chiến trường đánh Mỹ cứu nước. Thời điểm này, ông quyết định đi mua lễ cưới bà Lê Thị Duyên trước khi lên đường nhập ngũ. Cưới vợ được 3 ngày, ông Sở được điều động lên huyện Nghĩa Đàn huấn luyện. Sau đó, ông được điều ra phía Bắc vận chuyển lương thực, khí tài cho chiến trường đánh Mỹ. Đất nước thống nhất, ông lại được điều động chở pháo ra tăng cường cho mặt trận biên giới phía Bắc. Ông được đào tạo thành người lính lái xe. Ở nhà, bà Lê Thị Duyên cũng tình nguyện đi dân công ở Trường Sơn. 

Hơn 60 năm giữ kỷ vật của cha từ chiến trường Điện Biên Phủ (Hình 3).

Ông Nguyễn Cơ Sở quyết định trao tặng chiếc bồ tải gạo cho bảo tàng Quân khu IV. 

“Tôi muốn hiến tặng chiếc bồ tải gạo này cho bảo tàng Quân khu IV để giới thiệu với du khách, giới thiệu với các thế hệ trẻ. Vợ chồng tôi cũng đã già, con cái thì đi làm ăn xa, sợ không thể gìn giữ được kỷ vật mà bố tôi để lại. Đưa vào bảo tàng sẽ được gìn giữ tốt. Hơn thế nữa, tôi muốn trưng bày ở bảo tàng để thế hệ sau đừng bao giờ quên quá khứ hào hùng của cả dân tộc”, ông Sở nói về nguyện vọng của mình.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.