Ngày 1/1/2020, nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực. Theo luật và nghị định mới các lỗi vi phạm sẽ bị tăng mức phạt để răn đe, giáo dục người dân. Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng.
Ngay khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, vào 21h30’, ngày 1/1/2020, tại Km 188+300 trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện lái xe Lê khắc T, trú tại Thái Nguyên có nồng độ cồn 0,719 miligam/1 lít khí thở. Lái xe T là một trong những lái xe đầu tiên bị phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, mức cao nhất của người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn.
Tổng cộng, sau hai ngày (1 và 2/1/2020) thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 816.800.000 đồng. Trong đó nhiều tài xế đã viện đủ mọi lý do bào chữa cho hành vi uống rượu, bia của mình, thậm chí có hành vi chống đối, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT.
Việc quy định cấm triệt để sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và sửa đổi, bổ sung các hành vi mới, nâng mức xử phạt đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là rất đồng bộ, kịp thời trước những phức tạp của tình hình trật tự, an toàn giao thông hiện nay.
Video: Tài xế ngang nhiên chống đối, thách thức lực lượng CSGT khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.