Hơn 70% bờ biển Cà Mau đang bị sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 6, 29/11/2024 14:15

Theo đại diện Cà Mau, tỉnh hiện đang phải đối mặt với hơn 70% bờ biển bị sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, với 78km đã được xử lý, còn hơn 80km cần khẩn trương khắc phục.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở phần cuối lưu vực sông Mê Công, với diện tích 39.400 km², chiếm khoảng 12% diện tích cả nước. Dân số toàn vùng đạt khoảng 18 triệu người, trong đó 75% làm nông nghiệp.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, vùng ĐBSCL phải đối mặt với 8 loại hình thiên tai phổ biến: Hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; bão, áp thấp nhiệt đới; giông lốc, sét; và cháy rừng tự nhiên. Những thách thức này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là các cộng đồng phụ thuộc vào nông nghiệp.

Trước thực tế đó, sáng ngày 29/11, Diễn đàn Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL đã diễn ra, tập trung vào các giải pháp đối phó với sụt lún, sạt lở và ngập úng.

Thách thức trong bảo vệ bờ sông, bờ biển

Ông Lê Thanh Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), cho biết: "Các giải pháp bảo vệ bờ sông hiện nay chủ yếu là gia cố bờ bằng công trình ít tác động đến dòng chảy, giữ trạng thái tự nhiên, bảo vệ cơ sở hạ tầng và các khu dân cư tập trung".

Hơn 70% bờ biển Cà Mau đang bị sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm- Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam).

Tuy nhiên, một vài công trình tính toán chưa hợp lý do chưa có công cụ giám sát thi công, đặc biệt dưới nước; chưa chú trọng theo dõi, đánh giá được tác động do công trình gây ra. bên cạnh đó, hầu hết công trình xây dựng chưa có nghiên cứu đánh giá tổng thể đối với công trình chỉnh trị, phân lưu.... cũng như công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được chú trọng.

"Bờ sông và bờ biển ĐBSCL hiện nay đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau như giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý", ông Chương nói.

Đồng thời, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là giải pháp ưu tiên hàng đầu, vừa thân thiện với môi trường vừa tạo ra đa dạng sinh học cho khu vực ven biển, mang lại sinh kế cho người dân địa phương. Công tác quan trắc, giám sát diễn biến quá trình xói, bồi phải được thực hiện định kỳ hằng năm.

Theo bà Nguyễn Thanh Hoa - Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết trong 3 tháng tới có thể nghiêng về hướng La Nina, đến tháng 3/2025, hiện tượng này sẽ chấm dứt.

Hơn 70% bờ biển Cà Mau đang bị sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thanh Hoa - Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Đặc biệt, trong 3 tháng tới, từ 12/2024 đến tháng 2/2025 có thể xuất hiện mưa trái mùa tại ĐBSCL, lượng mưa có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm. Nhưng do đây là giai đoạn cuối mùa khô, nên lượng mưa tăng cao không đáng kể.

"Trong vòng 6 tháng tới, tổng lượng dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%", bà Hoa nhấn mạnh.

Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự đoán, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m. Tuy nhiên, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình, không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020.

188km bờ biển Cà Mau đang bị sạt lở ở mức nguy hiểm

Tại sự kiện, ông Phạm Minh Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu, cho biết tỉnh hiện đang đối mặt với 77 điểm sạt lở bờ sông và 67 điểm sạt lở bờ biển. Đáng chú ý, việc vận hành các công trình cống ngăn mặn cũng gây ra mâu thuẫn: Khi triều cường dâng, cống được đóng để ngăn mặn xâm nhập, nhưng điều này lại hạn chế nguồn nước phục vụ nuôi tôm của người dân.

Hơn 70% bờ biển Cà Mau đang bị sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau.

Thêm vào đó, chi phí giải phóng mặt bằng cho các công trình chống sạt lở bờ sông quá cao, làm chậm tiến độ thi công. Ông Hải mong muốn Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nghiên cứu các giải pháp kết cấu công trình tối ưu, giảm thiểu tác động đến người dân và hạn chế nhu cầu di dời để tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau chia sẻ: "Cà Mau có đặc thù đường bờ biển dài 254 km (xếp thứ hai cả nước) và hệ thống kênh mương khoảng 8.000 km, Cà Mau phải đối mặt với nghịch lý về khí hậu. Mùa mưa, tỉnh ghi nhận lượng mưa cao nhất ĐBSCL, lên đến 2.400 mm. Tuy nhiên, vào mùa khô, Cà Mau lại là địa phương chịu khô hạn bậc nhất".

Hệ quả là hơn 70% bờ biển Cà Mau (188 km) đang bị sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Hiện tại, tỉnh mới xử lý được 78 km, còn hơn 80 km cần khẩn trương khắc phục.

Hơn 70% bờ biển Cà Mau đang bị sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm- Ảnh 4.

Theo đại diện Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, tỉnh hiện đang phải đối mặt với hơn 70% bờ biển bị sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, với 78km đã được xử lý, còn hơn 80km cần khẩn trương khắc phục.

Trước tình hình trên, ông Tùng đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ NN&PTNT phê duyệt một đề án riêng cho Cà Mau nhằm bảo vệ đê biển. Ông cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tháo gỡ vướng mắc pháp lý về giao đất, giao rừng tại các khu vực xung yếu, giúp tỉnh chủ động hơn trong công tác chống sạt lở.

Cả hai địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp đồng bộ, cả về công trình lẫn chính sách, nhằm bảo vệ bờ biển và ổn định sinh kế cho người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.