Gia cảnh khốn khó
Tôi tình cờ gặp anh trong một đêm đầu hè ở chợ đầu mối thuộc quận 9, TP.Hồ Chí Minh. Chen giữa hàng ngàn người đang tất bật mua bán hàng hóa, anh cầm một tập vé số trên tay, bước đi từng bước khó khăn để mời người mua.
Anh là Võ Văn Trạng, năm nay 49 tuổi, quê ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ, có sáu anh em, anh là con thứ năm, cuộc sống vô cùng cực khổ. Anh tâm sự: "Tôi và các anh chị em phải đi làm từ lúc còn bé xíu à! Gia đình nghèo lắm, mình bố mẹ làm không có đủ ăn".
Sau khi sinh được sáu anh chị em bố mẹ anh lên đường tham gia dân công trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và đều mất sớm. Lúc đó anh mới 10 tuổi.
Do hoàn cảnh gia đình khốn khó, anh chỉ học hết lớp năm là nghỉ. Năm 20 tuổi, anh lập gia đình và sinh được ba người con. Vợ chồng làm lụng vất vả nhưng cuộc sống vẫn vô cùng khó khăn.
Năm 26 tuổi, một vụ tai nạn xe máy khiến chân của anh bị què hẳn, không còn khả năng làm việc, chỉ lê lết ở nhà, mọi việc gia đình đều đặt lên đôi vai người vợ.
Phải sống dựa dẫm vào vợ, anh cảm thấy vô cùng tủi nhục, nhiều lúc anh muốn tự kết liễu bản thân mình cho vợ đỡ khổ nhưng thương các con anh đã gắng gượng sống.
Anh Võ Văn Trạng bán vé số tại chợ đêm ở quận 9, TP. Hồ Chí Minh
Vào Nam hành nghề bán vé số đêm
Không có khả năng làm các công việc nặng nhọc, anh quyết tìm hướng đi mới cho mình. Năm 1992, anh quyết định xa quê vào Nam bán vé số. Anh tâm sự, không nghề nghiệp, không vốn liếng, lại tật nguyền, ngoài đi bán vé số ra thì chẳng biết làm gì để kiếm ra tiền.
Nhưng ở TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều người đi bán vé số. Do đó, ngày ngày, đi khắp các ngõ ngách phố phường, lang thang mọi xó xỉnh mà vẫn không đủ ăn chứ chưa nói đến chuyện có tiền gửi về cho vợ con. Trong cơn bĩ cực, không chịu đầu hàng số phận, anh Trạng quyết định chuyển sang đi bán vé số ban đêm.
Ngày nắng cũng như mưa, hôm nào người đàn ông tật nguyền ấy cũng lang thang ở chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh từ lúc 7h tối hôm trước cho đến 11h trưa hôm sau để bán vé số. Những người đi bán vé số ban đêm không nhiều nên số lượng vé số bán được cao hơn trước, thu nhập của anh giờ đã dư giả hơn để gửi về cho vợ con.
Anh cho biết, mỗi đêm bán được khoảng trên dưới 200 vé số, mỗi tháng cũng dành dụm được 2 - 3 triệu đồng để mang về quê cho vợ trang trải cuộc sống. Hiện giờ, đứa con trai đầu của anh đã 22 tuổi, hai đứa con gái, một đứa 15 tuổi đang học lớp 10 và một đứa sáu tuổi đang học lớp 1.
20 năm không đêm nào được ngủ, ban ngày thì chỉ tranh thủ chợp mắt một vài tiếng đồng hồ nên nhìn anh không khác nào một bộ xương khô, người chỉ toàn da bọc xương, nước da thì đen thui, khuôn mặt hốc hác, mắt lõm sâu, chân đi tập tễnh.
Dẫu vậy, trong sự cực khổ, lam lũ, thiếu thốn đến tận cùng của người đàn ông tật nguyền giữa chốn phồn hoa, tôi vẫn cảm nhận được niềm vui hiếm hoi khuất sau ánh mắt thâm quầng. Anh bảo, thức đêm đi chào bán vé số rất vất vả. Nhiều khi phải đối mặt với những nguy hiểm của cuộc đời "phố đêm", ở đó có đầy đủ vui buồn, mánh lới, lừa đảo, xảo trá, có những số phận không nhà cửa, không nghề nghiệp…
Hàng nghìn đêm như thế, lâu dần thành quen, không sợ bị cướp, bị quỵt tiền như lúc mới vào nghề nữa. Vất vả, khổ sở nhưng anh cũng vui vì thấy mình còn làm được những việc có ích cho gia đình.
Phạm Văn Điển - Hà Khê