Thị trường toàn cầu đã sụp đổ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp vào hôm 21/9 nhằm kiềm chế tỉ lệ lạm phát hiện đang quanh quẩn mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Động thái này dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán, làm xói mòn tài sản cá nhân của nhiều tỷ phú công nghệ thế giới.
Tỷ phú Mark Zuckerberg là người thua đau nhất khi giá trị tài sản ròng của ông giảm xuống khoảng 74,3 tỷ USD trong năm nay, theo Bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg ngày 27/9.
Với giá trị tài sản ròng hiện tại là 51,2 tỷ USD, Giám đốc điều hành Meta Platforms tụt xuống vị trí thứ 22 thế giới từ vị trí thứ ba vào năm 2021.
“Sự sụt giảm tài sản của tỷ phú Mark Zuckerberg không có gì đáng ngạc nhiên vì cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng trong năm qua do suy thoái kinh tế”, ông Vijay Valecha, Giám đốc Đầu tư tại Century Financial cho biết.
Sự bất ổn kinh tế toàn cầu, kết hợp với xung đột Nga - Ukraine, lạm phát gia tăng và lãi suất cao hơn đã làm gia tăng sự biến động trên thị trường tài chính, vốn đã bắt đầu sụt giảm từ đầu năm nay sau chuỗi 13 năm tăng giá.
Kể từ khi Facebook đổi tên thành Meta gần một năm trước, giá cổ phiếu của công ty này đã giảm gần 60%, kéo theo lợi nhuận ròng quý II giảm 36% và doanh thu của công ty giảm lần đầu tiên do quảng cáo giảm và cạnh tranh gia tăng từ các nền tảng truyền thông xã hội khác như TikTok và YouTube.
Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite, nơi niêm yết cổ phiếu của Meta, đã giảm 27,84% trong năm 2022.
Ông Zuckerberg sở hữu khoảng 12,8% cổ phần của Meta, công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới.
“Môi trường vĩ mô không thuận lợi, cùng với những khó khăn tạm thời ở cấp độ tổ chức đang làm tổn hại đến cổ phiếu Meta, dẫn đến việc tài sản của Zuckerburg giảm đáng kể”, ông Valecha nhận định.
Tháng 2/2022, ông chủ Facebook đã lọt khỏi danh sách 10 người giàu nhất thế giới và câu lạc bộ tài sản từ 100 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ năm 2015, theo Reuters.
Ngày 4/2, vị tỷ phú đã mất 29 tỷ USD giá trị tài sản ròng sau khi cổ phiếu của Meta giảm 26%, mức giảm mạnh nhất trong một ngày, khiến hơn 200 tỷ USD “bốc hơi” khỏi vốn hóa thị trường của gã khổng lồ công nghệ.
Đây là một trong những đợt sụt giảm tài sản lớn nhất trong lịch sử diễn ra sau khi CEO Tesla Elon Musk thua 35 tỷ USD trong một ngày vào tháng 11/2020, Reuters đưa tin.
Tỷ phú Zuckerberg không cô đơn
Tuy nhiên, ông Zuckerberg không phải là tỷ phú duy nhất chứng kiến tài sản cá nhân của mình lao dốc do cổ phiếu công nghệ mất giá vào năm 2022, khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trong các lĩnh vực có giá trị rủi ro thấp hơn như mặt hàng tiêu dùng, năng lượng, tài chính và tiện ích.
Người sáng lập Binance, Changpenz Zhao, đã mất hơn 50%, tương đương 64,4 tỷ USD, giá trị ròng của mình sau khi Bitcoin giảm từ mức cao kỷ lục 68.000 USD vào tháng 11/2021 xuống chỉ còn giao dịch dưới 19.000 USD vào ngày 21/9.
Hiện nay, ông Zhao có tài sản cá nhân trị giá 28,3 tỷ USD và được xếp hạng là người giàu thứ 38 trên thế giới, theo Bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg ngày 27/9.
Người sáng lập Amazon, ông Jeff Bezos, hiện là người giàu thứ hai thế giới với khối tài sản ròng 138 tỷ USD, giảm 54,3 tỷ USD.
Với giá trị tài sản ròng 135 tỷ USD, tỷ phú Gautam Adani tụt xuống vị trí thứ ba sau khi vượt mặt ông Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới hồi đầu tháng. Trong khi tài sản của các vị tỷ phú hàng đầu khác liên tục dao động ở mức âm, khối tài sản cá nhân của ông trùm người Ấn lại tăng thêm 8,5 tỷ USD trong năm nay.
Danh sách tỷ phú mất nhiều nhất năm nay còn có ông vua hàng hiệu Bernard Arnault, giảm 51,5 tỷ USD; Larry Page và Sergey Brin (đồng sáng lập Google), giảm lần lượt 37,6 tỷ và 36,6 tỷ USD; và ông chủ Microsoft Bill Gates, giảm 31,8 tỷ.
Ông chủ Tesla Elon Musk vẫn là người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng trị giá 245 tỷ USD, dù đã mất hơn 25 tỷ USD kể từ đầu năm.
Nguyễn Tuyết (Theo The National News, Bloomberg)