Đại dịch Covid-19 cũng khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp do thiếu việc đã và đang có kế hoạch giảm bớt lao động hoặc đóng cửa nhà máy. Một số doanh nghiệp thì giảm giờ, giảm ngày làm việc và cho người lao động nghỉ luân phiên. Nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa do sức mua giảm, kinh doanh không có lợi nhuận.
Zing ghi nhận báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho hay, có 78.306 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có 8.701 doanh nghiệp dừng hoạt động. Con số này cao hơn 27% so với 9 tháng đầu năm 2019.
Trong đó, 38.629 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng tới 82% so với cùng kỳ năm 2019; 27.588 doanh nghiệp chờ giải thể và 12.089 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh lý giải quãng thời gian từ khi bắt đầu quá trình phục hồi nền kinh tế, các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đến nay còn chưa đáng kể và diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp. Đây là nguyên nhân kéo tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng lên.
Cơ quan này cho rằng việc số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động tăng 82% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong giai đoạn 2015-2020 thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
So với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở 17 lĩnh vực. Trong đó, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng cao nhất.
Danh sách cụ thể gồm: Kinh doanh bất động sản (1.103 doanh nghiệp, tăng 161%); giáo dục và đào tạo (745 doanh nghiệp, tăng 130%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.414 doanh nghiệp, tăng 120%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.320 doanh nghiệp, tăng 109%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (305 doanh nghiệp, tăng 102%).
Theo quy mô vốn, các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động kinh doanh phần lớn có quy mô vừa và nhỏ với vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng. 35.247 doanh nghiệp thuộc nhóm này tạm dừng kinh doanh, chiếm tỷ lệ hơn 90%.
Theo VOV, TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động với mục tiêu, vừa đảm bảo không lây lan dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế đất nước bằng biện pháp khoanh vùng, giãn cách có trọng tâm, trọng điểm. Biện pháp này đã giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Tuy nhiên, với quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính có hạn nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn có những diễn biến phức tạp.
Theo ông Nguyễn Thành Biên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình, các tổ chức Hiệp hội, các Hội, các nhà quản lý hiến kế trình Chính phủ, đưa ra những giải pháp chiến lược để giải cứu các doanh nghiệp, trong lúc hàng triệu người lao động đang có nguy cơ mất việc làm, hàng ngàn doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản. Kinh tế thế giới chìm sâu trong khủng hoảng.
“Thực tế các gói hỗ trợ trên nên ưu tiên giúp các doanh nghiệp thực sự khó khăn, sắp giải thể hoặc phá sản, hoàn cảnh những doanh nghiệp này phải ngừng sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất, doanh thu thấp đồng nghĩa không có lãi thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không tác dụng” - ông Nguyễn Thành Biên nói.
Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mới khởi nghiệp không tiếp cận được với vốn vay ngân hàng nên giãn nợ cũng không tác dụng. Chưa kể các doanh nghiệp phải huy động mọi nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ cho người lao động, nhằm giữ chân người lao động thì lại rơi vào diện doanh nghiệp vẫn còn khả năng chi trả nên không được vay gói tín dụng không lãi xuất của Ngân hàng chính sách xã hội, ông Nguyễn Thành Biên phân tích thêm.
Bá Di (T/h)