Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lo ngại khi tỉ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước chưa cao.
Cụ thể, thảo luận tại tổ vào chiều 25/3, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Nông) nêu vấn đề: Báo cáo hàng năm của Kiểm toán Nhà nước có giá trị quan trọng, phục vụ việc quyết toán ngân sách năm cũ và lập dự toán ngân sách năm mới của các địa phương.
Theo luật Kiểm toán Nhà nước thì kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước là có giá trị bắt buộc thi hành chứ không phải chỉ để tham khảo.
Tuy nhiên, theo ông Giang, vừa rồi báo cáo nhiệm kỳ công tác 2016 – 2021 của cơ quan Kiểm toán ghi nhận có chưa tới 75% kiến nghị xử lý tài chính của đơn vị này được thực hiện.
“Tôi thấy mấy kiến nghị của ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội khi thẩm tra báo cáo nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước là rất đúng. Cái này tôi đã có lần phát biểu trước Quốc hội. Vì sao kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo luật là bắt buộc thi hành nhưng báo cáo của Kiểm toán cho thấy chỉ có 75% kiến nghị này được thực hiện? Vậy 25% kiến nghị còn lại thì đi đâu? Tại sao 25% đó không được thực hiện? 25% đó là bao nhiêu tiền?”, Phó Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đặt câu hỏi.
Mặc dù vậy, ông Giang cho hay, có trường hợp kết luận của Kiểm toán Nhà nước không đúng, dẫn đến kiến nghị không được thực hiện. “Cái này cần phải làm rõ”, ĐBQH đoàn Đăk Nông kiến nghị.
Trước đó, trình bày trước Quốc hội sáng 24/3, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị.
Cùng ngày, trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Tỉ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính của KTNN giai đoạn 2016-2020 có tiến bộ, cao hơn so với giai đoạn trước (tỉ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính các năm đều đạt từ 71% đến 75%).
Tuy nhiên, khi đưa ra một số vấn đề đáng lưu ý, Chủ nhiệm ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh: “Tỉ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng song vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện (bình quân đạt 73,6%)… KTNN cần báo cáo rõ hơn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tỉ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN chưa cao; đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để. Trường hợp cần thiết cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đề xuất phương án xử lý để báo cáo UBTVQH, Quốc hội để xử lý”.
Trở lại với câu hỏi của Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang: Hơn 25% kiến nghị xử lý tài chính không được thực hiện là bao nhiêu tiền? Từ số tiền thu được sau khi thực hiện kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ qua là 237.578 tỷ đồng (đạt 73,6% tổng số kiến nghị) thì có thể biết được rằng: Số tiền tương ứng với 26,4% kiến nghị không được thực hiện là hơn 85.218 tỷ đồng.
Cần lưu ý: “Đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” (theo định nghĩa của luật Kiểm toán Nhà nước số: 81/2015/QH13 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 24/6/2015).
Điều 57. Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán
- Chấp hành quyết định kiểm toán.
- Lập và gửi đầy đủ, kịp thời báo cáo tài chính, báo cáo tình hình thực hiện, quyết toán vốn, quản lý dự án đầu tư; kế hoạch thu, chi; báo cáo tình hình chấp hành và quyết toán ngân sách cho Kiểm toán Nhà nước theo yêu cầu.
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
- Trả lời và giải trình đầy đủ, kịp thời các vấn đề do Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên Nhà nước yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán.
- Ký biên bản kiểm toán.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện kết luận, kiến nghị đó cho Kiểm toán nhà nước.
- Trong thời gian giải quyết khiếu nại, đơn vị được kiểm toán vẫn phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, trừ trường hợp Tổng Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
(luật Kiểm toán Nhà nước 81/2015/QH13)