Chiều 4/4, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết: Đơn vị vừa công bố kết quả lấy ý kiến người dân từ ngày 9 đến 31/3, về quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).
Theo đó, trong tổng số 1.718 người dân tham gia góp ý, có đến 90% đồng tình, số người không đồng ý là 7% và 3% không có ý kiến. Kết quả cũng cho thấy, đa số người cho ý kiến là du khách, chiếm 60% (trong đó có 195 khách quốc tế), 27% người địa phương, 13% là người từ địa phương khác đến Hà Nội làm việc.
Theo ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, sau khi nhận được sự đồng tình của người dân, đơn vị sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cho ga ngầm C9. Phương án này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2018. Nếu được Quốc hội thông qua, dự án có thể khởi công vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022.
Trước đó, sáng 9/3, ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã trưng bày công khai mô hình tổng mặt bằng ga ngầm C9 nằm cạnh Hồ Gươm, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, để lấy ý kiến người dân.
Ghi nhận của PV cho thấy, trong một buổi sáng đã có rất đông các nhà nghiên cứu, chuyên gia kiến trúc, xây dựng và người dân đến tham quan, đóng góp ý kiến cho bản quy hoạch. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình thì việc xây dựng ga ngầm cạnh Hồ Gươm cũng nhận được nhiều ý kiến tranh cãi phản bác cho rằng, việc đặt ga ngầm cạnh Hồ Gươm là không phù hợp.
Liên quan đến dự án xây dựng ga tàu điện ngầm C9 cạnh Hồ Gươm, lãnh đạo ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, qua điều tra, khảo sát xác định trong khu vực xây dựng ga C9 có khoảng 54 cây xanh, bóng mát phải đánh chuyển, chặt hạ.
Trong số đó, có nhiều loại cây như sưa đỏ, mõ, phượng, tếch, muồng, móng bò, đa, thàn mát, quếch, bằng lăng, me, sấu, chẹo… Cây to nhất có đường kính khoảng 115cm, nhiều cây đường kính dao động từ 30 - 80cm.