Có thể nói, đại hội VFF khóa VIII sắp diễn ra nhưng xung quanh nó là rất nhiều câu chuyện đáng bàn. Lần đầu tiên, người ta nghe thấy VFF đưa tiêu chí tốt nghiệp đại học vào hồ sơ ứng cử được coi là chưa từng có tiền lệ.
Xoay quanh đại hội này, câu chuyện về tấm bằng đại học của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi ông bầu Đức từ chối tham gia cuộc họp với bộ VHTTDL với lý do ông không có bằng đại học.
Tiết lộ với báo giới nguyên nhân từ chối cuộc họp với bộ VHTTDL, bầu Đức nói: “Lý do là tôi biết các thành viên của VFF được mời họp có anh Lê Hùng Dũng (Chủ tịch), Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Xuân Gụ (Phó Chủ tịch truyền thông), Trần Anh Tú (Thường trực), trong đó duy nhất có tôi là người không có bằng Đại học. Tôi cảm thấy xấu hổ nên không đi”.
Bằng giỏi cũng "bỏ xó"
Từ thông tin này, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với ông chủ kinh doanh đồ ăn uống trên phố cổ Hà Nội để lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của mình về tầm quan trọng của tấm bằng đại học.
Theo đó, anh Lê Đoàn (SN 1989, quê Bắc Giang) từng là cựu sinh viên báo chí của trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội). Anh tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi nhưng sau khi tốt nghiệp thì anh lại không làm bất cứ công việc nào liên quan đến ngành học. Như vậy, tấm bằng của anh cho đến thời điểm hiện tại coi là bỏ không.
Anh Lê Đoàn cho biết: “Tôi tốt nghiệp báo chí nhưng lại chọn con đường kinh doanh từ hai bàn tay trắng. Cho đến thời điểm hiện tại tấm bằng của tôi coi như không có giá trị gì trong công việc mà tôi đang làm”.
Theo anh Lê Đoàn, thời điểm đó lựa chọn học báo chí là bởi anh thích, nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường thì bản thân anh nhận ra ở ngoài đời còn nhiều cái mình cần phải bổ sung, cần phải học để biết được đâu mới là ngành nghề mà mình thực sự đam mê, yêu thích và bằng giỏi không có nghĩa cái gì mình cũng giỏi.
Nói về tầm quan trọng của tấm bằng đại học, anh Lê Đoàn cho biết: “Tôi nghĩ rằng bằng đại học chỉ tốt cho những ai có sẵn mối quan hệ hoặc xin vào làm công chức, còn những ai xác định học đại học chỉ để có bằng cấp, chỉ để ra oai ta đây có bằng thì tôi nghĩ là không nên. Như bản thân tôi đây, đã có những lúc tôi thấy lãng phí về khoảng thời gian mình học đại học vì tốn công sức, tiền của của bố mẹ bỏ ra”.
Theo lời của cựu nam sinh tốt nghiệp loại giỏi này, khi ra ngoài xã hội việc đánh giá người đó giỏi hay không không nằm ở bằng cấp mà nằm ở năng lực.
“Tôi không so sánh mức lương của tôi với các bạn đồng trang lứa ra trường rồi đi làm đúng ngành nghề, nhưng mức lương hiện tại của tôi là 50 triệu/tháng và tôi tạm bằng lòng với khoản thu nhập này. Như vậy, có bằng cấp hay không theo tôi không quan trọng mà quan trọng là ở tư duy và năng lực”, anh Lê Đoàn nói thêm.
Tốt nghiệp Bách khoa ra làm ca sĩ, nhạc sĩ
Tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm, Khoa Hóa, trường đại học Bách khoa Đà Nẵng để bố mẹ vui lòng và chỉ theo đuổi công việc này được đúng 20 ngày. Cáp Anh Tài lại lựa chọn Nam tiến để theo đuổi đam mê con đường ca hát. Tấm bằng cử nhân của anh vì thế cũng coi như bỏ không chẳng phục vụ đến công việc hiện tại.
Nói về tầm quan trọng của tấm bằng, Cáp Anh Tài cho biết: “Không riêng gì tôi, rất nhiều người học một ngành trong đại học nhưng khi ra trường thì lại làm một ngành khác không liên quan gì đến ngành đã học. Bởi vì khi ra đời thì cần rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ dựa vào kiến thức trong nhà trường. Nên theo tôi, tấm bằng đại học nó chỉ là yếu tố cần trong quá trình lập nghiệp của mỗi con người chứ không phải là tất cả”.
Từ khi vào Sài Gòn, Cáp Anh Tài đã thay đổi nhận thức về tấm bằng đại học: “Đó là ở quê cha mẹ dù rất nghèo nhưng vẫn luôn muốn con học đại học, có bằng nọ bằng kia, giải nọ giải kia để mình khoe với mọi người. Nhưng, khi bắt đầu làm việc ở Sài Gòn tôi chợt nhận ra bằng đại học nó không có ý nghĩa gì cả. Bởi một người bạn của tôi có nói một câu khiến tôi ngẫm mãi “Tài ạ, ở Sài Gòn này người ta đánh giá người giỏi là một tháng kiếm được bao nhiêu tiền”.
Ca sĩ, nhạc sĩ bóng đá Cáp Anh Tài cho rằng áp vào trường hợp của bầu Đức, yêu cầu có bằng đại học như vậy là không có ý nghĩa. Và theo anh yếu tố quan trọng là con người làm nên sự thành công.