Hỗn chat với nhà tục học

Hỗn chat với nhà tục học

Hoàng Thanh Xuân

Hoàng Thanh Xuân

Thứ 5, 30/11/2017 08:00

Cuốn Hỗn luận - Vẻ đẹp của yêu tinh của Đỗ Anh Vũ đang tạo một làn sóng trong giới nghiên cứu ngôn ngữ và công chúng bởi sự độc đáo của nó. Anh chọn luận những đề tài không ai luận và có lẽ vì thế, người ta gán cho anh danh xưng “nhà tục học”.

Anh thích được gọi là nhà tục học, nhà nghiên cứu hay nhà gì khác nữa? (Một tờ báo đã phải sửa bài vì gọi Đỗ Anh Vũ là nhà c*t học).

Tôi làm việc tại Viện Ngôn ngữ nên chính danh vẫn là một nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, anh em giang hồ thích gọi gì thì gọi, tôi là người dễ tính. Có người gọi tôi là nhà… hỗn học, nhà luận học, nhà tục học. Gọi tôi là gì không quan trọng, quan trọng là tôi được làm công việc mình thích, làm xong được anh em bạn bè ủng hộ và có được cảm giác thăng hoa. 

Anh bỏ qua mọi ý kiến trái chiều sao?

Thật ra ý kiến ủng hộ nhiều hơn phản đối. Nhưng phản đối cũng hay, vì xã hội phát triển nhờ sự đa dạng. Bài viết ra phải có người khen kẻ chê, đó là lẽ thường. Chỉ cần cảm giác được việc của mình đúng thì mình làm. Tôi còn có sự ủng hộ của “anh em giang hồ” và luôn có “bà đỡ” cho các tác phẩm của mình. Cô đơn quá cũng không làm được gì. 

Văn hoá - Hỗn chat với nhà tục học

Nhà nghiên cứu Đỗ Anh Vũ - tác giả của cuốn hỗn luận đang tạo sóng

Việc tìm kiếm đề tài với anh có khó khăn không?

Phần lớn những đề tài đến với tôi một cách bất ngờ, dường như tôi được “độ” đề tài nên luôn có người mang ý tưởng đến. Ví dụ đề tài luận về cục c*t đến với tôi từ hồi sinh viên. Hôm đó có cậu bạn rủ đi nhậu, tôi từ chối với lý do đang nghiên cứu. Cậu ấy liền nói “nghiên cứu cái cục c*t ấy”. Tôi vớ ngay đề tài đó và bắt tay vào thu thập tư liệu. Còn đề tài về sinh thực khí (1) tôi cũng phải mất mười mấy năm mới đủ dữ kiện. Ví dụ khi đọc truyện ngắn của Ma Văn Kháng, tôi thấy câu “Được cái l*n xỏ bỏ cái l*n chui” (ý nói coi vợ hơn mẹ) tôi sung sướng vô cùng. Thầm cảm ơn những nhà văn, những nhà nghiên cứu đã lưu giữ kho tàng ngữ liệu cổ. Những câu tục ngữ “xịn” thường bắt vần lưng và có độ thâm thúy về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. 

Hay như trong một chuyến đi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), tôi nghe được một cô bán hàng nói “Trai sờ d*i, gái sờ l*n” rồi làm hành động giống như người ta vẫn gọi là đốt vía. Hóa ra câu đó được dùng để xua đi sự xui xẻo. 

Tôi cứ tích cóp dần như thế đến khi cảm thấy đủ tư liệu (227 câu ca dao, tục ngữ và 26 câu đố dân gian) thì mới tiến hành xâu chuỗi tất cả dữ kiện với nhau và tiến hành viết.

Có vẻ anh rất đầu tư cho danh xưng “nhà tục học”?

Đúng là tôi đang ấp ủ viết một chuyên luận tục. Những bài như luận về sinh thực khí và luận về cục c*t là những viên gạch quan trọng cho chuyên luận đó. Tôi còn một bài luận về bài tiết qua các động từ trong tiếng Việt. Tôi chia thành 3 nhóm là bài tiết chất rắn, chất lỏng và chất khí. Tôi cũng sẽ có sự so sánh đối chiếu giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ phương Tây. Mọi người sẽ thấy có nhiều điều vô cùng thú vị. Đơn cử như bài tiết về đường khí, tại sao người Việt lại gọi là quả rắm trong khi người Anh lại gọi là break wind nghĩa là gió vỡ. Rõ ràng hai tư duy khác hẳn nhau. Người Việt mình đưa về hình tròn trong khi phương Tây họ lại không bao giờ nghĩ nó là hình tròn mà cho rằng đó là một đường thẳng, là một luồng gió. 

Tại sao nó lại có sự khác nhau như vậy thì đó là vấn đề cần phải giải quyết từ sâu thẳm bên trong…

...Vấn đề cần phải giải quyết từ sâu thẳm bên trong?

Tức là mình phải truy nguyên đến tận cùng lối nghĩ của mỗi dân tộc. Đó là vấn đề văn hóa. Tại sao người Việt lại yêu hình tròn thế? Tất cả đều có lý do. Người phương Đông rất thích hình tròn nên mọi thứ đều muốn đưa về hình tròn. Dân tộc trồng lúa nước mang tính chất gần gũi với thiên nhiên, ưa sự hài hòa, mềm mại và vòng tròn là hiện thân của sự mềm mại. Trong khi đó văn hóa dân du mục rất khác. Họ là những người có tư duy lý trí cao nên cái gì cũng phải thẳng ngay, rõ ràng, rành mạch. Vì thế họ không bao giờ coi rắm là hình tròn mà tri nhận ngay về âm thanh là tiếng nổ. Break wind - gió vỡ phải là một đường thẳng, là sự bùng nổ chứ không thể là gió quẩn. Sơ sơ như thế để thấy rằng khi đi vào phân tích ta có thể đối chiếu nhiều dữ kiện thú vị hơn nữa.

Văn hoá - Hỗn chat với nhà tục học (Hình 2).

 

Anh đã có ý tưởng có quyển sách tiếp theo?

Thực tế số bản thảo hiện tại của tôi đủ để in 2 tập nữa. Quyển Vẻ đẹp của Yêu tinh gồm 33 bài, trong khi bản thảo của tôi gấp 3 lần số đó. 

Nếu cuốn này đã chọn lọc những bài tốt nhất thì anh còn gì để dành cho cuốn sau?

Mỗi bài có một cái duyên riêng và tôi đã cân nhắc để lại bài “đinh” cho các tập sau. Như bài luận về bài tiết tôi vừa đề cập hoặc bài luận về kỹ nữ hay còn gọi là đĩ luận. Tôi khảo về lịch sử của tầng lớp này trong thành ngữ, tục ngữ và trong các tác phẩm văn học đã được thể hiện như thế nào. Có một điều thú vị là nhân vật kỹ nữ, nếu ta coi đó là một nghề nghiệp trong xã hội thì đó là nghề nghiệp có nhiều định danh, nhiều tên gọi nhất. Tôi thống kê được 23 tên gọi của nghề kỹ nữ trong lịch sử, từ gái giang hồ đến gái lầu xanh, bướm đêm, cave, gái bán hoa, gái làng chơi, gà móng đỏ, ghẹ hai chân… Nó cho ta một cái nhìn vô cùng thú vị và cũng có rất nhiều câu chuyện văn hóa. Trong thành ngữ, tục ngữ rất nhiều câu dùng cho tầng lớp này và đa phần thể hiện sự bao dung. 

Quay trở lại cuốn Hỗn luận vừa ra mắt, trong mấy bài luận: Vẻ đẹp của yêu tinh, Mùi của người tình, Vòm ngực của đời, người đọc có thể thấy bên cạnh việc cảm thụ văn chương  thì còn là... kinh nghiệm cá nhân của chính tác giả?

Không có vấn đề đưa kinh nghiệm hay thể hiện kinh nghiệm cá nhân ở đây. Tôi không bao giờ muốn khoe mẽ gì về tình trường và cũng không phải là người qua tình trường ghê gớm. Đơn giản là mỗi bài viết có một cấu tứ mà tôi nghĩ là thú vị và tôi trình bày sự cảm thụ văn học dựa trên những tư liệu, tác phẩm nổi tiếng.

Chị nhà có phản ứng thế nào về những bài viết có phần đụng chạm này?

Vợ tôi chẳng phản ứng gì, có khi còn chưa đọc hết những bài tôi viết vì mỗi một chuyên môn khác nhau. Trong cuộc sống nhìn chung tin tưởng nhau là chính.

Về hai bài viết đình đám của anh, có vẻ chúng đã đem lại cho anh không ít rắc rối? 

Bài báo Nhà tục học liên quan đến bài luận về cục c*t đã khiến người bạn của tôi phải làm giải trình sau khi đăng tải. Về bài sinh thực khí, trong cuộc họp chi bộ của năm 2015, bí thư chi bộ đã đem ra để "nhắc nhở" khi thấy tôi đi thuyêt trình nhiều quá. Theo đó, ý của Chi uỷ như sau: Có “vác” b/l đi nói chuyện ở đâu, thì phải nói rằng đây là nghiên cứu cá nhân, không phải chủ trương của Viện, Viện cũng không khuyến khích nghiên cứu đề tài này. Nếu không nói đúng tinh thần như thế thì là không được đâu.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Đỗ Anh Kẻ giang hồ trong chính mình!

Đỗ Anh Vũ có trong mình nhiều gã đàn ông. Ngồi uống rượu, nghe Vũ đọc thơ, lý giải một điển tích, ôm guitar hát...,  ngó vào gương mặt sạch trong giấu giếm những nỗi niềm của Vũ, cứ miên man hỏi đâu là chân dung Vũ, một gã có máu giang hồ dị biệt nhưng đôi lúc nghiêm cẩn như một ông giáo và cũng lại cẩn trọng như một tay thợ, lo toan như một gã nội trợ...

Vũ là vậy. Làm việc cần cù trên lớp kiến thức khá dầy dặn, cả trên những cộng cảm đến rất nhanh. Cần cù và thăng hoa trong đời sống là hai thứ nghệ sỹ luôn cần. Nếu chỉ cần cù, anh là gã thợ cưa. Thêm thăng hoa, anh là ông thợ khắc. Chỉ thăng hoa thôi, anh là kẻ buôn gió bán mây không vốn liếng. Tôi quý Vũ ở sự hòa điệu đó, không màu mè, PR rộn rã, nhiều khi chỉ tấu lên trong chớp nhoáng một dư vị, một mỏi mong...

Vũ vừa thăng hoa xong đã lật đật chạy về nhà lo cho ba đứa con dại. Người ta hai đứa đã nhọc, đây lại lít nhít sàn sàn ba đứa. Đứa nọ chưa kịp lớn, đứa khác lại sắp ra đời. Đứa này vừa kịp lo xong, đã lại đến đứa kia cần được chăm bẵm. Vũ "sòn sòn" cả bài viết. Sểnh ra là viết. Tác phẩm trước mực còn ướt, chưa kịp nhiều người đọc, tác phẩm sau đã lên khuôn báo. Mà đầy đặn. Mà tràn trang. Mà độc đáo trong loạt những khúc Luận. Vũ nhập đồng nhanh. Ai đó thổ lộ một tâm huyết, một cảm xúc, Vũ hứng trọn và rồi âm thầm bung ra thành câu chữ.

Vũ viết các kiểu luận để giải tỏa đống kiến thức như bị "bội thực". Cách viết của Vũ là cách viết của kẻ chong đèn nhiều hơn là của người đi cùng bóng đêm. Ngay cả khi Vũ viết về mèo hoang thì đó cũng chỉ là góc cảm của người nhìn từ trong nhà ấm cúng nhìn ra, không phải của gã lang thang cùng phận mèo.

Vũ có một thói quen, viết cái gì, trước khi in là "xuất bản" ngay ở quán bia bằng trí nhớ siêu việt của mình. Hàng loạt bài Luận, anh em bè bạn đều được nghe Vũ tấu lên trong nhiều buổi tao ngộ. Gần đây, Vũ tung "Giang hồ luận" sau khi chờ "Vẻ đẹp của Yêu tinh" ra với đời dù vẫn phải bó gối dừng những cuộc đi để lo việc nhà nhiều nỗi. Chả hề hấn gì Vũ giang hồ trong chính mình! Vũ thuộc nhiều điển tích, áng văn thơ... Chả cần đi đâu, Vũ vẫn lang thang cùng trời trên cánh bay của những trang sách.

Tập sách có trên tay rồi, thơm mùi mực nho mà vẫn thấm bụi đường, cười khóc nhân sinh. Giờ là lúc Vũ cần tạm ngừng cuộc rong chơi, chăm dạy "những đứa con" khôn lớn, ngoái lại những chặng bay...

Để rồi lại lên đường trong chính... căn nhà của mình!

Trần Nhật Minh (VOV2)

 (1) Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên), sinh thực khí được định nghĩa là “khí quan phồn thực của sinh vật” (thường nói về của người); một số dân tộc có tín ngưỡng thờ sinh thực khí. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Anh Vũ, sinh nghĩa là đẻ, thực là nảy nở, khí là công cụ; sinh thực khí nghĩa là công cụ để tạo ra việc sinh đẻ, nảy nở giống nòi và sự sống nói chung. “Mà nói đến sinh thực khí thì đương nhiên người ta nghĩ nhiều đến chủ sở hữu là loài người bởi con người là trung tâm của thế giới, là sinh vật quan trọng nhất trong muôn loài”, trích bài luận của nhà nghiên cứu Đỗ Anh Vũ. 

Mời quý độc giả đón đọc bài viết Nhà tục học Đỗ Anh Vũ: Kẻ đi đòi quyền bình đẳng cho sinh thực khí trên báo Đời sống & Pháp luật số ra ngày 1/12/2017 để nghe anh kể chuyện hậu trường của cuốn Hỗn luận Vẻ đẹp của yêu tinh. 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.