Người "thổi hồn" vào gỗ
Một ngày cuối tuần, tại góc đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai vẫn rộn tiếng đục, khoan phát ra từ các xưởng chế tác gỗ.
Chỉ một góc nhỏ có đến gần 10 cơ sở chế tác gỗ mỹ nghệ. Trong khoảng sân nhỏ của ngôi nhà số 477 đường Lê Thánh Tôn chất kín mảnh bìa, gốc gỗ sần sùi, chỉ còn chừa một lối đủ cho 2 người đi vào. Anh Nguyễn Văn Hậu, (30 tuổi) chủ xưởng cùng vài người thợ đang chăm chút, tỉ mỉ tạo hình tác phẩm.
Mùn cưa theo gió bay ngập cả khu xưởng, mái tóc bám đầy mùn cưa, vừa làm anh Hậu vừa kể, năm 2010, từ làng nghề chế tác gỗ truyền thống Đông Giao (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) anh khăn gói vào tỉnh Gia Lai lập nghiệp. Hành trang mang theo người là vài bộ quần áo, một rương dụng cụ dùi, đục, khoan để hành nghề.
Anh Hậu tâm sự: “Thuở trước, nghề chế tác gỗ ở quê rất thịnh, nhà nhà cùng làm nghề này. Thế nhưng khoảng từ năm 2000 thì thưa dần. Nguyên nhân là nguồn hàng cung cấp ngày càng ít đi. Vậy nên nhiều người chuyển đến nơi khác làm kinh tế. Nhận thấy Tây Nguyên rừng núi bao la ắt hẳn nguyên liệu dồi dào nên tôi cùng một vài người bạn quyết định khăn gói vào Gia Lai tìm kiếm cơ hội phát triển. Thấm thoát 10 năm trôi qua, giờ tôi đã lập gia đình, có con”.
Theo anh hậu, gỗ lũa anh mua lại của những người đi rừng thu lượm về. Tiếp đó thì để thêm vài năm cho biểu bì mục hết chỉ còn lõi rồi mới bắt đầu chế tác và bán cho ai có nhu cầu. Ngoài ra, anh còn nhận chế tác gỗ theo yêu cầu của khách hàng.
Ở xưởng của anh Hậu còn có 4 người thợ khác là họ hàng cùng tỉnh Hải Dương vào đây làm nghề.
Anh Nguyễn Văn Đức chia sẻ: “Người làng em vào Gia Lai mở xưởng khá nhiều. Riêng ở Tp.Pleiku có 4-5 xưởng chế tác do người làng chúng em làm chủ. So với ngoài quê thì trong này nguồn gỗ lũa còn nhiều và nhu cầu chơi các tác phẩm bằng gỗ lũa của người dân khá “thịnh” nên dễ làm ăn hơn. Tính ra ở trong này, mỗi tháng em có thu nhập 8-10 triệu đồng tiền công, cuộc sống ổn hơn, đủ nuôi con cái”.
Cách nhà anh Hậu mấy bước chân là xưởng chế tác gỗ lũa của sư thầy Thích Đức Quang (chùa Bửu Thắng, phường Hội Phú).
Trước gian phòng nhỏ, sư thầy chăm chú chế tác một bức tượng Bồ Tát. Sư Quang bộc bạch: “Tôi đi tu từ nhỏ nhưng đam mê nghệ thuật nên theo học ở Đại học Mỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh (khóa 2007-2012). Học xong thì về lại chùa và thỉnh thoảng có làm tượng bằng gỗ lũa cho thỏa đam mê. Làm chủ yếu phục vụ trong chùa thôi.
Đầu năm 2021, thấy nhiều thợ đục bỏ về quề, trả lại nhà, tôi ra thuê một gian để làm cho tiện. Vừa ra làm cùng cho vui với mọi người, vừa tránh cho chùa bị ồn bởi tiếng đục, cưa. Các tác phẩm của tôi chủ yếu tập trung vào chủ đề Phật pháp, quê hương. Gỗ lũa để chế tác phần nhiều của phật tử mang đến thuê làm”.
Tuyệt tác của tạo hoá
Anh Trần Đức Vinh, ngụ số 337, đường Nguyễn Viết Xuân, một người thợ sở hữu nhiều tác phẩm gỗ mỹ nghệ độc, lạ, hiếm chia sẻ: “Tự nhiên luôn mang một vẻ đẹp thuần khiết. Với những người sành sỏi về gỗ lũa thì đó là cả một bầu trời nghệ thuật của tự nhiên. Mỗi mảnh bìa, gốc gỗ lũa trải qua bao thăng trầm của tạo hóa đều mang trong mình một vẻ đẹp đầy lôi cuốn dưới những hình hài khác nhau. Từ chất liệu gỗ tự nhiên, người thợ sẽ chạm trổ, thêm thắt các họa tiết, hình ảnh do mình sáng tạo ra để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh.
Đặc biệt, mỗi người có một góc nhìn đối với 1 khúc gỗ lũa thô để gửi gắm trí lực vào đó, trau chuốt thành tác phẩm nghệ thuật. “Có được gỗ lũa là do sự bào mòn của thời gian. Người chế tác gỗ lũa như là hồi sinh thứ đã chết.
Vì vậy, với 1 tác phẩm, nghệ nhân thường sử dụng 70% chất liệu của tự nhiên và thêm vào 30% là khối óc, đôi tay khéo léo để thành tác phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, cái độc đáo nhất của nghề này, ngoài trình độ tay nghề thì góc nhìn của người thợ với mảnh bìa, gốc gỗ lũa mới làm nên tác phẩm mang hồn cốt, dấu ấn riêng”.
“Một tác phẩm gỗ lũa hoàn chỉnh thường không có giá bán cụ thể. Có thể với người này tác phẩm đó chỉ có giá vài chục triệu nhưng với người khác là vài trăm triệu đồng. Như mới đây, với một tác phẩm về chủ đề Phật giáo từ một mảnh gỗ nu hương, có khách hàng mua lại với giá 100 triệu đồng. Trong khi, cách đây chừng 10 năm, người thợ mua mảnh gỗ đó chỉ vài triệu đồng. Gỗ lũa chưng trong nhà tạo cảm giác ấm cúng, mang đến cho gia đình một luồng sinh khí mới mẻ, sang trọng”, anh Vinh nói.
Không chỉ ở tỉnh Gia Lai, tại tỉnh Kon Tum để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của dân chơi gỗ mỹ nghệ, ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ.
Chúng tôi ghé thăm cơ sở của anh Ngô Bảo Lâm, 36 tuổi, ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum - một trong những nghệ nhân có tay nghề nổi tiếng được nhiều người biết đến.
Chia sẻ với chúng tôi anh Lâm cho hay, trước đây, thị trường tượng gỗ ở Kon Tum vẫn chưa phổ biến. Tuy có một số xưởng nhưng mẫu mã sản phẩm chưa độc đáo.
Với tư duy nhạy bén, mong muốn tạo nên tượng gỗ điêu khắc độc nhất nên anh bắt tay mở xưởng và kinh doanh. Để có được nhiều tượng mới lạ, anh phải đi tham quan xưởng, cơ sở kinh doanh gỗ nghệ thuật để học hỏi. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu trên mạng những chi tiết, hình ảnh chân thật nhất rồi áp dụng lên sản phẩm của mình.
Anh Lâm cho biết: "Hiện nay, thị trường gỗ mỹ nghệ cũng ngày càng khắt khe. Sản phẩm làm ra không chỉ đẹp, mà còn phải có hình dáng độc đáo, nên đòi hỏi người thợ phải dày công tìm hiểu để sáng tạo ra những món hàng ưng ý và chất lượng".
Hiện tại, anh Lâm có 2 xưởng chuyên làm tượng gỗ. Tổng cộng gần 20 thợ chính và phụ đang làm. Trong cửa hàng, anh Lâm đang trưng bày hơn 1.000 tượng gỗ lớn, nhỏ. Mỗi tượng có hình thù khác nhau như Di lặc, quan âm, ngũ phúc,….
Các sản phẩm mỹ nghệ có giá thấp nhất là 300.000 đồng/tượng, giá cao nhất lên đến hàng trăm triệu đồng. Bình quân xưởng anh lãi gần 200 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các chi phí.