Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 1-b) chép chuyện này như sau: "Lúc trước, khi gác Kính Thiên mới làm xong, có con chim bồ các đến làm tổ ở trên đó mà đẻ ra chim non. Quần thần nhân việc đó mà can vua rằng: Xưa, Ngụy Minh Đế mới xây gác Lăng Tiêu, có con chim bồ các đến làm tổ, Cao Đường Long nói rằng, Kinh thi có câu "chim bồ các làm tổ, chim tu hú đến ở''. Nay cung thất mới làm xong mà chim bồ các đã đến làm tổ, thần ngu hèn cho rằng có họ khác đến ở đó. Thần xin bệ hạ xem lời nói của Cao Đường Long, trước cốt sửa mình tu đức, sau hãy khởi công xây dựng mới là phải.
Vua nín lặng hồi lâu rồi hỏi hoạn quan là Phạm Bỉnh Di. Phạm Bỉnh Di nói: Gác mới làm mà chim bồ các đến làm tổ đẻ con, đó là điềm trời ban cho bệ hạ được dòng dõi trăm đời. Vua được đẹp lòng, sai sửa sang điện gác mau chóng, trăm họ vì thế mà khốn khổ".
Đầu năm 1209, Cao Tông sai Phạm Du coi việc quân ở châu Nghệ An. Phạm Du chiêu tập những người vong mạng chống lại triều đình, khiến đường đất bị cắt đứt, thuyền bè không đi lại được. Cao Tông thấy tình hình nguy cấp liền sai Phạm Bỉnh Di lấy quân ở Đằng Châu (thị xã Hưng Yên) để đánh Phạm Du. Phạm Du trở về Cổ Miệt cùng với Đoàn Thượng, Đoàn Chủ ở Hồng Châu hợp binh làm phản triều đình, đánh Đằng Châu. Bỉnh Di giao chiến bị bại trận.
Tháng 2/1209, Bỉnh Di lại đem binh ở Đằng Châu, Khoái Châu đi đánh Du. Phạm Du thua trận bỏ trốn. Bỉnh Di tịch biên gia sản của Du rồi đốt hết.
Đến tháng 4/1209, Phạm Bỉnh Di đánh tan quân Đoàn Thượng. Phạm Du ngầm sai người về kinh đút lót cho các quan lại trong triều, nói rằng Bỉnh Di tàn ác, giết hại người vô tội và kể lể tình oan. Cao Tông sai Trần Hinh triệu Phạm Du về kinh, lại triệu cả Bỉnh Di về triều. Phạm Du về kinh trước chầu Lý Cao Tông, lấy lời lẽ làm vừa lòng vua, lại được vua tin cẩn. Tháng 7 năm đó, Bỉnh Di đến kinh sau, vào triều phụng mệnh. Có người can ông không nên vào vì đã Phạm Du gièm pha, nhưng Bỉnh Di cho rằng: Tôi thờ chúa thượng hết lòng trung thành mà lại bị người ta gièm pha đó chăng? Huống chi có mệnh lệnh của vua, tôi còn biết chạy đi đâu?
Ông cùng con là Phạm Phụ vào cung. Lý Cao Tông sai bắt Bỉnh Di và Phạm Phụ giam ở Thủy Viên, toan làm tội. Bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc nghe tin cha con ông bị bắt, bèn đem binh lính phá cửa Đại Thanh kéo vào nội điện để cứu chủ. Trong lúc quân Quách Bốc và quân triều đình đang giằng co ngoài cửa, Cao Tông thấy việc kíp quá, sai giải Bỉnh Di và Phụ vào chỗ bệ đá nghỉ mát trong điện Kim Tinh. Phạm Du cùng em là Phạm Kinh ở trong ngự đường đi ra, lấy luôn binh khí trong cung đâm chết cha con Bỉnh Di rồi cùng Cao Tông bỏ kinh thành Thăng Long chạy trốn...
Luật nay: Hai anh em nhà Phạm Kinh đã phạm tội giết người
Triều thần xót việc Cao Tông xài tiền của như nước nên mới mượn tích cũ trong Bắc sử và mượn lời Kinh Thi để can vua đó thôi. Song, chút lương tâm quá ít ỏi trong con người nhà vua chỉ mới đủ để vua đứng nín lặng trong chốc lát. Vua hỏi Phạm Bỉnh Di thì nào có khác gì tự hỏi mình, bởi kẻ đã cam phận làm hoạn quan để suốt đời phò vua, có khi nào dám nói khác ý vua đâu.
Nhưng cái chết cuối đời của cha con Phạm Bỉnh Di thật là bi thương, ai oán. Trong lúc hai quân đằng giao chiến, hai anh em Phạm Du đã dùng binh khí đâm chết cha con Bỉnh Di. Đây rõ ràng là một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng.
Chiếu theo các quy định của pháp luật ngày nay thì hành vi của hai anh em Phạm Du ra tay sát hại cha con Bỉnh Di đã phạm vào điểm a khoản 1 của Điều 93 BLHS: Tội giết người. Theo điều luật quy định thì: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người...
Tường Linh