Câu chuyện của cô bé 13 tuổi
Nhà văn Người Khăn Trắng chia sẻ, những chuyện ma của mình đều dựa vào những câu chuyện được lưu truyền đâu đó trong dân gian. Đa phần là những câu chuyện có thật, xảy ra ở những địa danh có thật. Và nhiều câu chuyện đã làm ông hết sức giật mình. Người Khăn Trắng kể lại câu chuyện đã làm ông suy nghĩ rất nhiều. Số là trong một lần đi, ông nghe lại câu chuyện có một tài xế tên Hắc, lái xe tốc hành từ Sóc Trăng, Cần Thơ lên Sài Gòn và ngược lại.
Trên cung đường này, bắt buộc cánh tài xế phải đi qua phà Mỹ Thuận (một phía là Vĩnh Long và một phía là Tiền Giang, nay đã xây dựng cầu dây văng Mỹ Thuận - PV). Khi cánh tài xế qua khu vực này thường dừng chân ăn uống rồi mới khởi hành đi tiếp. Tại khu vực này có rất nhiều dân bán hàng hóa, đồ lặt vặt và đội quân bán vé số. Ngoài ăn uống, cánh lái xe cũng thường hay mua vé số của những cô bé mới chừng 13 - 14 tuổi. Một hôm, có một cô bé tên Hoa tới mời tên Hắc mua vé số. Hắn cũng mua mấy tờ nhưng đến chiều số lại không trúng.
Thế nhưng, số vé ế còn lại của cô bé Hoa lại trúng giải độc đắc. Một phần vì quen, phần vì xa xôi nên cô bé Hoa nhờ tên tài xế này đưa đi lãnh giùm. Vốn là một tay chủ kinh doanh xe và có nhiều tài xế trong tay, nhưng hắn vẫn kiêm luôn công việc tài xế. Khi được Hoa nhờ chở đi cùng, hắn đã nổi lòng tham và quyết tâm chiếm đoạt tờ vé số trúng thưởng. Trên đường đi, hắn đã mưu tính nhiều kế và cuối cùng khi chở bé đến một đoạn đường vắng thì hắn quyết định ra tay. Nhẫn tâm, hắn giết chết bé Hoa và để che giấu tội lỗi của mình, hắn đã vùi xác bé Hoa để phi tang. Sau khi út Hoa chết đi thì vong hồn của cô không siêu thoát mà vẫn luẩn quẩn nơi trần gian. Hồn cô cũng hiện về báo oan ức cho nhiều người biết.
Trong một diễn biến khác, vào thời điểm này, phong trào người dân vượt biên trái phép diễn ra rầm rộ. Trong số đó có một tài xế lái xe thuê cho Hắc. Sau nhiều năm bôn ba, kiếm sống ở nước ngoài anh tài xế này trở về quê hương và được út Hoa báo mộng cho biết về cái chết oan uổng của mình. Vì cái tình, cái tâm và đi tìm sự thật về cái chết của cô gái 13 tuổi, anh tài xế đã quyết tâm đi tìm câu trả lời. Sau nhiều ngày lăn lộn, thu thập những thông tin, chứng cứ về vụ việc năm nào, người tài xế đã biết chính xác hung thủ chính là Hắc, tên chủ năm nào của mình.
Hãy hướng con người đến những điều tốt đẹp. Ảnh minh họa.
Đi tìm dấu chân hung thủ, anh tài xế được biết, Hắc sau khi lấy tiền trúng giải độc đắc đã mua nhà và về sống với cô vợ bé ở một khu vực hẻo lánh tại Cần Thơ. Tuy nhiên, khi anh tài xế tới nhà lại thấy một cảnh đáng thương, thay cho lòng hận thù mà anh đã và đang theo đuổi bấy lâu khi đi tìm sự công bằng cho cô gái út Hoa. Theo đó, Hắc đã bị liệt nửa người, kế bên là đàn con nheo nhóc cùng người vợ khắc khổ trong căn nhà tồi tàn.
Người vợ hắn chia sẻ, sau khi lấy tiền về, Hắc tiêu xài hoang phí, chả mấy chốc thì rơi vào khánh kiệt. Cả gia đình cũng không hiểu vì sao, bỗng nhiên hắn trở nên liệt nửa người. Thế là được đồng nào cũng đội nón ra đi vì bệnh tật và rồi gia cảnh rơi vào kiệt quệ. Chứng kiến cảnh ấy, người tái xế hiểu rằng, đó cũng là quả báo nhãn tiền mà tên Hắc phải gánh lấy sau tội lỗi tày trời của mình. Dù vậy, trong một lần về báo mộng, út Hoa cho biết, hồn của cô vẫn chưa có nơi nương thân nên vẫn còn lởn vởn nơi trần gian. Chính vì vậy, cô nhờ anh tài xế lập cho một ngôi miếu để cô nương nhờ. Thế là người tài xế đã lập một ngôi miếu bên bờ Bắc phà Mỹ Thuận, đoạn An Hữu về Cái Bè.
Nhà văn Người Khăn Trắng cho biết: "Sau khi tôi viết câu chuyện này trong Chuyện không kể lúc nửa đêm, thì giữa hè vừa rồi có một cháu gái gọi điện cho tôi hỏi thăm và cho biết, cháu đã đạp xe đi tìm mấy ngày liền mà không thấy ngôi miếu của cô út Hoa đâu. Cháu đã đi theo chỉ dẫn của chú viết trong câu chuyện và có hỏi thêm người dân ở khu vực này nhưng vẫn không thấy. Lúc đó tôi thật sự bất ngờ và hỏi lại: “Cháu tìm ngôi miếu làm gì?”. Cháu gái trả lời: "Ở đây cháu cũng nghe kể lại câu chuyện y như chú viết, cháu muốn đến đó để tỏ lòng thành và thắp nhang cho vong hồn cô ấy. Bây giờ cháu đang học cấp hai, cháu muốn tới đó thắp nhang và mong cô út Hoa phù hộ cho cháu thi đậu vào lớp 10. Cả nhà cháu, từ ngoại, mẹ và cả cháu đều tin tuyệt đối vào oan hồn của cô út Hoa bác ạ".
Lúc này, tôi mới giải thích cho cháu gái hiểu: “Khu đất đó ngày xưa trống trải, người ta lập miếu. Bây giờ, nhà dân mọc lên san sát nên đã vây ngôi miếu lại, nên cháu sẽ không tìm được. Đồng thời, tôi cũng khuyên cháu nên cố gắng học hành mà không nên đi tìm ngôi miếu làm gì và chia sẻ, thủ phạm giết hại cô út cũng đã qua đời, ở đời làm việc gì ác thì sẽ không tồn tại được lâu dài. Lúc này cháu mới hiểu và không đi tìm ngôi miếu nữa, nhà văn Người Khăn Trắng cho biết thêm.
Phải tin vào pháp luật
Nhiều điều suy ngẫm Theo nhà văn Người Khăn Trắng, hiện nay, chúng ta đang sống trong chế độ dân chủ, do dân và vì dân nên đối tượng phục vụ sẽ là nhân dân, trong đó số đông là người lao động, công nhân, tiểu thương... Cho nên quan niệm truyện lá cải là sai. Đồng thời, trong văn học không có loại nào là văn học lá cải mà chỉ có người viết có lá cải hay không mà thôi. Truyện cũng bình dân như con người của ông vậy nhưng lại ẩn chứa nhiều điều sâu sắc, gợi cho người đọc nhiều điều phải suy ngẫm về triết lý sống ở đời. |
Chia sẻ với PV, nhà văn Người Khăn Trắng cho hay: "Từ câu chuyện đó mà về sau, khi viết mỗi tác phẩm của mình, tôi đều chú ý và nêu bật ý: Con người không nên quá tin vào oan hồn. Bởi, sống ở đời thì có pháp luật, do vậy, mọi người hãy sống và làm việc theo pháp luật và phải tin vào pháp luật. Còn lương tâm thì cũng sẽ có "tòa án" của lương tâm và triết lý nhân sinh: Gieo tai ương gặp quả báo là điều bình thường. Thế nên, sống ở đời đừng vì mâu thuẫn mà đi trả thù lẫn nhau, thay vào đó hãy hướng mọi chuyện đến sự tốt đẹp. Cũng như câu chuyện của cháu gái ở trên, tôi cũng khuyên rằng, nếu có dịp đi ngang khu vực cầu Mỹ Thuận ngày nay, để tỏ lòng tiếc thương cho cô út Hoa thì cháu hãy thầm vái là được rồi".
Bên ly cà phê, ông Dương Thiên Vương, Giám đốc công ty cổ phần Dịch vụ Văn hóa Thiên Vương chia sẻ: "Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều truyện ma do nhiều tác giả khác nhau viết. Nhiều tựa sách giật rất kêu và nội dung cũng đánh vào thị hiếu "mì ăn liền" để câu khách, thu hút độc giả, kiểu như khai thác một cách rùng rợn, nhiều yếu tố ma mị, giết chóc kinh hoàng... Thậm chí, những chi tiết đó còn được miêu tả một cách lộ liễu. Những loại truyện này chỉ gây được sự chú ý tức thời và không tồn tại được lâu dài".
Và nói như nhà văn Người Khăn Trắng thì "độc giả bây giờ đã tinh tế rồi, họ biết cái nào nên đọc và cái nào thì không nên". Riêng truyện của Người Khăn Trắng thành công cho đến ngày hôm nay là có nhiều yếu tố. Ông Vương phân tích, ma xưa nay luôn hấp dẫn con người nhưng yếu tố thành công của Người Khăn Trắng không nằm ở chỗ này mà ma trong truyện của ông cứ phơn phớt nhưng lại là nguyên nhân, là điểm gút của sự việc. Bên cạnh đó, ma của Người Khăn Trắng luôn gắn với một địa danh thực tiễn, từ những truyện kể, truyền miệng trong dân gian, chứ không phải là truyện hư cấu hoàn toàn.
Ông Vương chia sẻ thêm: "Ma trong truyện của Người Khăn Trắng báo thù nhưng không phải báo thù, "ma" không phải là "ma" mà đó chính là lương tâm trong mỗi con người khi làm điều ác. Và nổi bật nhất đằng sau mỗi câu chuyện ấy chính là tính nhân bản, nhân văn được nổi lên. Đó mới chính là cái mà tác giả muốn gửi tới người đọc. Vì vậy, truyện của ông rất gần gũi với nhân dân, nhưng lại mang chút gì đó liêu trai, lãng mạn. Cũng có người cho rằng, truyện của Người Khăn Trắng là tiểu thuyết lá cải, 3 xu. Tôi lại suy nghĩ rằng, cuộc chiến nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh luôn kéo dài dai dẳng nhưng cán cân sẽ nghiêng về nghệ thuật vị nhân sinh, phục vụ con người với nhiều mục đích khác nhau: Giáo dục, văn học, nghệ thuật...".
Chí Thanh