Dầu diesel không còn được bán trên khắp Sri Lanka từ ngày 31/3, làm tê liệt hoạt động vận tải trong khi người dân đang phải chịu đựng tình trạng mất điện kéo dài kỷ lục, hãng tin AFP cho biết.
Quốc gia Nam Á này đang chìm trong đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập, gây ra bởi tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng để thanh toán ngay cả những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu nhất.
Cạn kiệt nguồn cung
Dầu diesel - nhiên liệu chính cho xe buýt và xe thương mại – đã cạn khô tại các trạm nhiên liệu trên toàn đảo quốc. Xăng vẫn được bán, nhưng trong tình trạng khan hàng, dẫn đến tình cảnh hàng dài ô tô chờ đến lượt được tiếp nhiên liệu.
"Chúng tôi đang phải rút dầu diesel từ những chiếc xe buýt đang nằm trong ga ra chờ sửa chữa và sử dụng số nhiên liệu đó để vận hành các phương tiện đang lưu hành", Bộ trưởng Giao thông Dilum Amunugama cho biết.
Các chủ sở hữu xe buýt tư nhân - chiếm 2/3 đội xe của đất nước - cho biết họ đã hết sạch nhiên liệu và thậm chí các dịch vụ tối thiểu có thể sẽ không thể tiếp tục sau ngày 1/4.
“Chúng tôi vẫn đang sử dụng các kho dự trữ dầu diesel cũ, nhưng nếu không có nguồn cung vào tối nay, chúng tôi sẽ không thể tiếp tục hoạt động”, ông Gemunu Wijeratne, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà điều hành Xe buýt Tư nhân, nói với AFP.
Doanh nghiệp điện lực độc quyền nhà nước của Sri Lanka cho biết, họ sẽ buộc phải thực hiện cắt điện kéo dài 13 giờ kể từ 31/3 - lâu nhất từ trước đến nay - vì họ không còn dầu diesel để chạy máy phát điện.
"Chúng tôi được hứa tiếp cận nguồn cung mới trong 2 ngày tới, và nếu được như thế, chúng tôi có thể giảm thời gian cắt điện", Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ceylon Electricity, M. M. C. Ferdinando, nói với các phóng viên.
Ông cho biết, các hồ thủy điện, cung cấp hơn 1/3 nhu cầu điện, cũng ở mức thấp nguy hiểm.
Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng
Việc cắt điện kéo dài đã buộc Sàn Giao dịch Chứng khoán Colombo giới hạn giao dịch từ nửa đến 2 giờ, trong khi nhiều văn phòng yêu cầu nhân viên không thiết yếu ở nhà.
Các nhà khai thác cho biết, việc phân bổ điện năng cũng ảnh hưởng đến các trạm phát điện thoại di động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc gọi, đồng thời cho biết thêm rằng máy phát điện dự phòng chạy bằng diesel của họ cũng không có nhiên liệu để chạy.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng đã gây ra sự phẫn nộ trên khắp Sri Lanka, với việc truyền hình địa phương đưa tin các cuộc biểu tình trên khắp đất nước khi hàng trăm người lái xe ô tô chặn các con đường chính ở một số thị trấn.
Một số bệnh viện công đã ngừng các cuộc phẫu thuật vì họ đã hết thuốc cứu sinh thiết yếu, trong khi hầu hết các cơ sở y tế đã ngừng các xét nghiệm chẩn đoán yêu cầu hóa chất nhập khẩu đang thiếu hụt.
Sri Lanka đã áp đặt một lệnh cấm nhập khẩu rộng rãi vào tháng 3/2020 với nỗ lực tiết kiệm ngoại tệ cần thiết để trả 51 tỷ USD nợ nước ngoài của mình. Nhưng điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu trên diện rộng và giá cả tăng chóng mặt trên toàn quốc.
Chính phủ Sri Lanka cho biết, họ đang tìm kiếm một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời yêu cầu thêm các khoản vay từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Tình trạng khó khăn của Sri Lanka càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19, khiến ngành du lịch và dòng kiều hối của nước này bị tê liệt. Nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng nguyên nhân là sự quản lý yếu kém của Chính phủ, bao gồm cắt giảm thuế và thâm hụt ngân sách nhiều năm.
Minh Đức (Theo NDTV)