Hôn nhân cận huyết thống: “Phép vua” thua... hủ tục?

Hôn nhân cận huyết thống: “Phép vua” thua... hủ tục?

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Hôn nhân cận huyết thống không phải là chuyện mới. Nó đã tồn tại trong mạch ngầm của đời sống xã hội từ thời sơ khai của loài người. Chế độ mẫu hệ từ thời xa xưa và gần đây là nhất chế độ phong kiến coi hôn nhân cận huyết thống như một sinh hoạt bình thường trong đời sống xã hội.

Từ xưa đã có nhiều trường hợp anh em, thậm chí chú cháu trong hoàng tộc lấy nhau để duy trì sự nối dõi, ngai vàng là chuyện không lạ. Song với cuộc sống hiện đại ngày nay, tôn vinh giá trị con người, những bản ngã cá nhân... hôn nhân cận huyết thống là điều khó có thể chấp nhận, dù vẫn tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, vùng dân trí thấp. Ngoài những khó khăn về đời sống kinh tế - xã hội, quan hệ hôn nhân cận huyết thống chính là một trong những nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật đối với những đứa trẻ được sinh ra, gây suy thoái chất lượng giống nòi.

Phép vua thua...lệ làng

Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân trong quan hệ nội tộc, có thể là hôn nhân trong cùng một nhóm thân tộc, họ hàng bởi luật tục hoặc tập quán quy định có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ cha. Nói cách khác, hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ. Có thể là hôn nhân anh chị em họ chéo, hôn nhân anh chị em họ song song tức hôn nhân con anh/chị con em. Thậm chí ở một số vùng miền của người dân tộc thiểu số vẫn tồn tại phổ biến hình thức giao phối hôn nhân giữa con anh-em, chị- em trong một nhà. Đây có thể coi là một nét khác biệt có từ lâu đời trong văn hóa bản địa của các đồng bào dân tộc ít người với mức độ hôn nhân cận huyết chiếm tỉ lệ khá cao.

Pháp luật - Hôn nhân cận huyết thống: “Phép vua” thua... hủ tục?

Hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, vùng dân trí thấp. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của trung tâm nghiên cứu và phát triển dân số (Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), tại một số dân tộc như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru, Chứt… và đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Mông Xanh (Lào Cai), Rơ Mân, Brâu (Kon Tum) thì cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp là hôn nhân cận huyết thống. Và họ đang là những dân tộc ít người có nguy cơ suy giảm số lượng và chất lượng dân số rõ rệt nhất do tình trạng giao phối hôn nhân cận huyết gây ra. Cũng theo tài liệu khảo cứu của trung tâm này, thì có vùng đồng bào dân tộc vẫn áp dụng hôn nhân cận huyết thống một cách triệt để đến mức, chỉ cho phép những người trong cùng họ hàng, huyết thống lấy nhau, nếu vi phạm sẽ bị phạt.

Những người dân tộc có hôn nhân cận huyết thống lý giải rằng: Chỉ họ hàng, cùng dòng máu lấy nhau thì mới thương yêu nhau, mới giữ được của cải vật chất trong nhà. Tổ tiên truyền lại rằng, lấy trong họ tộc để không mang của cải sang họ khác, vợ chồng cũng không bỏ nhau. Đối với góc nhìn của các nhà xã hội học, đây là một hủ tục mà khó có thể xóa bỏ ngay trong suy nghĩ của người dân bởi nó đã được ngấm vào dòng máu như một thể di truyền từ đời này qua đời khác, không cần biết hậu quả lâu dài của nó là gì.

Theo PGS.TS Trần Đức Phấn - trưởng bộ môn Sinh y học và Di truyền, Đại học Y Hà Nội thì: “Hầu hết những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống rất dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gien lặn mang bệnh. Các bệnh thường gặp phổ biến như: hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD (Enzim bảo vệ tế bào), tan máu bẩm sinh (Thalassemia), trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gen lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt phổ biến là căn bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, với hai thể bệnh tan máu bẩm sinh…”.

Luật cũng “bó tay”

Mới đây, các cơ quan chức năng lại phát hiện ở Thừa Thiên – Huế, Hòa Bình, tại vùng đồng bào dân tộc có nhiều trẻ em mang bệnh nặng do hôn nhân cận huyết thống. Gia đình trẻ rất nghèo nhưng các em mắc bệnh không phải là ung thư mà là huyết tán di truyền, lùn bất thường… Gia cảnh đã nghèo nhưng các em thường xuyên phải đi truyền máu, tiếp máu. Tiến sỹ Dương Bá Trực – trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Nhi TW cho biết: Nhiều bệnh nhi bị huyết tán di truyền bẩm sinh do hôn nhân cận huyết thống đến bệnh viện truyền máu. Điều đau xót là họ rất nghèo, phải mua máu hoàn toàn vì anh em, cha mẹ không thể cho máu được. Bởi các em sinh ra từ đột biến gien ở thể cao giữa cha và mẹ có cùng huyết thống, mang mầm bệnh từ trước. Theo số liệu mà bệnh viện Nhi TW có được thì hiện nay, có khoảng 5 triệu trẻ em đang mang gien mầm bệnh di truyền do đột biến gien từ hôn nhân cận huyết thống. Đó là bệnh thiếu máu và lùn bẩm sinh. Thiếu máu ở đây không có nghĩa là cứ truyền vào thì trẻ sẽ bình thường, mà cơ địa của trẻ chỉ nhận được máu truyền vào đến thời điểm nhất định nào đó, rồi không nhận nữa, biến chứng, sinh ra bệnh khác… rồi tử vong. Điều nguy hiểm là ở chỗ đó.

Cũng theo tiến sỹ Dương Bá Trực thì chỉ trong vòng tháng 7 này, bệnh viện đã khám và tư vấn cho 70 cặp vợ chồng có hôn nhân cận huyết thống được đình chỉ sinh. Lý do, sau khi làm các xét nghiệm, sàng lọc máu, phát hiện người mẹ và người cha đều có gien – mầm bệnh di truyền nên tốt nhất là không nên sinh nở, vì sinh nở ra sẽ là những đứa trẻ bệnh tật. Tiến sỹ Trực phân tích: Phải đi kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, nếu phát hiện 2 người đều mang mầm bệnh, tức gien bệnh thì tốt nhất không nên lấy nhau. Vì lấy nhau rồi, chắc chắn sẽ di truyền sang con và có thể có đột biến gien, con còn bị nhiều bệnh, bệnh hiểm nghèo nặng hơn. Với những người có mầm bệnh huyết tán bẩm sinh càng không thể kết hôn cận huyết thống.

Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Công dân các dân tộc được hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện nhưng cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”. Ngoài yếu tố đạo đức và phong tục, việc cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ nhằm duy trì sự cường tráng của thế hệ sau là cần thiết. Nhưng vấn đề kết hôn cận huyết thống khó tiếp cận, quản lý hơn tại các cộng đồng dân tộc thiểu số vì người dân ở đây hầu hết đều sống theo hủ tục này. Nó trở thành một phần trong đời sống văn hóa của dân tộc đó nên rất khó để xóa bỏ trong thời gian ngắn. Trong quan niệm của họ, vấn đề này được xử lý ở góc độ tình cảm, thói quen chứ không hề xem xét đến khía cạnh luật pháp. Họ biết thủ tục đăng ký kết hôn, vì chỉ cần hai bên gia đình đồng ý là nên vợ, nên chồng. Thực tế, cán bộ tư pháp địa phương nắm bắt được tình hình nhưng không thể giải quyết trước tình trạng “phép vua thua lệ làng”. Dù đã sử dụng các biện pháp khuyến khích, vận động, giảng giải cho người dân hiểu được những vấn đề mà con cháu họ sẽ gặp phải nếu kết hôn cùng huyết thống.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Trong 5 năm trở lại đây, tại 13 tỉnh miền núi, số cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống có xu hướng gia tăng. Ước tính, trung bình mỗi năm có thêm 100 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống. Tình trạng này đã và đang diễn ra tại các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn... Đây là một trong những nguyên nhân làm suy thoái chất lượng giống nòi, làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số của các tỉnh miền núi.

B.Hằng – H.Anh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.