Đó là một phần nội dung tham luận trong buổi Tọa đàm diễn ra ngày 27/6, góp ý kiến xây dựng Luật sửa đổi bổ sung Luật hôn nhân và gia đình.
Quan điểm của Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến về việc không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính dựa trên quan điểm: Những người cùng giới tính kết hôn với nhau thì đi ngược lại truyền thống đạo đức, trái với tự nhiên, không phù hợp với chức năng của gia đình là duy trì nòi giống. Ngoài ra, nếu pháp luật cho phép kết hôn đồng tính có thể kéo theo nhiều hệ lụy, như việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính. Việc được hai người đồng tính nuôi dưỡng có thể ảnh hưởng đến nhận thức, tâm sinh lý của đứa trẻ được nhận nuôi. Hôn nhân đồng giới sẽ dẫn đến nhiều thay đổi như sự biến mất của định nghĩa “cha”, “mẹ” trong Luật dân sự, sẽ kích thích các cặp đồng tính sử dụng phương pháp mang thai hộ.
Ông Lê Minh Tâm (đứng), tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam phát biểu mở đầu buổi tọa đàm.
Tuy nhiên, ở một góc cạnh khác nhiều người cho rằng việc thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính sẽ bảo đảm tốt hôn quyền con người của những người này, tránh việc họ chịu những sự kỳ thị, xa lánh từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Cho phép kết hôn đồng tính vì đó là quyền được sống thật với những gì mình có - đó là quyền con người.
Về vấn đề này, Ông Dương Đăng Huệ, vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng hiện tại quy định "cấm" người đồng tính kết hôn với nhau là còn cứng nhắc. Do đó cần phải đề xuất sửa đổi bỏ quy định "cấm" trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Ông Huệ cho rằng đây là vấn đề tế nhị và nhạy cảm mà thực tiễn đã đặt ra. Thực tế, nhiều cặp đồng giới đã chung sống với nhau như vợ chồng, chính vì thế chúng ta không nên đặt câu hỏi cấm hay không cấm ở đây nữa. Tuy nhiên, trước mắt cũng chưa thể thừa nhận hôn nhân đồng giới. Không thừa nhận nhưng không có nghĩa là thiếu tôn trọng những người đồng giới. Bởi theo ông, bản thân những người này không tự quyết định được giới tính của mình, ở một góc cạnh nào đấy cần phải hiểu rằng đó là sự "bất hạnh" là điều không mong muốn.
Tai buồi Tọa đàm một số ý kiến nhất trí tán thành việc phải có quy định liên quan đến vấn đề tài sản và những vấn đề khác trong quan hệ đồng giới khi họ về sống chung với nhau. Bởi lẽ thực tế xã hội những người này đã về chung sống với nhau, mặc dù pháp luật không thừa nhận quan hệ hôn nhân của họ nhưng cũng không thể "bỏ mặc" họ nằm ngoài pháp luật.
Liên quan đến cơ chế pháp lý nào cho những người đồng giới tính về ở với nhau, ông Dương Đình Khuyến, chánh Văn phòng Tư vấn và hỗ trợ Pháp luật, Hội luật gia Việt Nam nhấn mạnh: Pháp luật đã không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính thì cũng không nên quy định hậu quả pháp lý như hậu quả pháp lý của quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận. Theo ông Khuyến quan hệ đó là quan hệ sống chung giữa hai người với nhau chứ không phải vợ chồng nên phải điều chỉnh pháp luật bằng các quy định về tài sản chung, tài sản riêng giữa hai cá nhân.
Dưới góc cạnh bình đẳng giới, bà Trịnh Thị Lê Trâm, giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS thẳng thắn cho rằng con người có quyền tình dục, tình dục ở đây không có nghĩa là chỉ nam với nữ mà nam với nam, nữ với nữ cũng là quyền tình dục. Quyền chung sống cũng vậy, không ai có quyền cấm hai người được chung sống với nhau. Do đó bà Trâm đề xuất cần có những nghiên cứu riêng và điều chỉnh riêng về mối quan hệ đồng tính.
Băng Tâm