Khi Xiaoxiong và người yêu đồng tính nữ của cô muốn che giấu mối quan hệ của họ với cha mẹ, họ quyết định tìm những người đàn ông sẵn sàng kết hôn với mình. Trong tâm trí họ đã định hình sẵn lựa chọn phù hợp nhất: Những người đồng tính nam.
Tuy nhiên, để tìm được một người sẵn sàng chấp nhận kiểu hôn nhân như vậy không phải chuyện dễ dàng, do đó cô đã lập ra một diễn đàn mai mối trực tuyến để giúp đỡ chính bản thân cũng như nhiều người khác ứng phó trước áp lực từ gia đình và xã hội ở Trung Quốc, nơi hôn nhân đồng tính chưa được luật pháp công nhận và cộng đồng người đồng tính luyến ái vẫn còn bị đối xử một cách khắc nghiệt.
“Tôi đã rất nhẹ nhõm khi tìm được một cách để làm hài lòng cha mẹ mình mà không bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân với người đàn ông nào đó”, Xiaoxiong tự nhận mình là một tomboy (cô gái ăn mặc và có phong cách như con trai), không muốn bản thân phải sống một cuộc sống trái với ý muốn của mình chỉ để che mắt thiên hạ. “Nhiều người trong số chúng ta đang tự lừa chính bản thân mình”, người phụ nữ 35 tuổi này nói thêm.
Xiaoxiong đang sống với người bạn tình của mình, Xiaojing, 36 tuổi, cùng với đám thú cưng ở Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, thuộc vùng Đông Bắc - nơi vẫn còn mang tư tưởng bảo thủ ở Trung Quốc. Nhưng trong ngày nghỉ và các dịp đặc biệt, họ lại cùng với ông chồng “giả vờ” của mình trở về thăm gia đình và đóng giả như bao cặp vợ chồng truyền thống khác.
Ở Trung Quốc việc công khai đồng tính hiện vẫn còn rất khó khăn. Ngay cả khi một người ăn mặc trang phục theo xu hướng giới tính của mình, cũng có thể gây ra những ánh mắt dị nghị và dẫn đến những xáo trộn không hay trong gia đình. Một số phụ huynh Trung Quốc không có kiến thức thậm chí còn đưa con em của họ đến phòng khám để điều trị vì cho rằng đây là một loại “bệnh”.
Đồng tính luyến ái từng được xếp vào dạng “bệnh tâm thần” ở Trung Quốc cho mãi đến tận năm 2001 và từng bị coi là phạm pháp cho đến năm 1997. Về sau này, tình hình mới được cải thiện hơn. Một thăm dò năm 2000 cho thấy người Trung Quốc ngày càng cởi mở hơn đối với đồng tính luyến ái. Trong 10.792 người được thăm dò, 48,15% ủng hộ, 30,9% không chấp nhận, 14,46% phân vân và 7,26% không quan tâm.
Theo một nghiên cứu năm 2012 của đại học Thanh Đảo, có khoảng 90% trong số 20 triệu người đồng tính nam ở Trung Quốc kết hôn với phụ nữ một cách bình thường và họ ban đầu không hề biết khuynh hướng tình dục thực của chồng.
Nhưng ngày càng có nhiều người đàn ông và phụ nữ đồng tính kết hôn với nhau trong cái gọi là “hợp tác hôn nhân”. Không có ước tính về số lượng các cuộc hôn nhân theo dạng này, nhưng một số trang web dành riêng cho họ đã xuất hiện trong những năm gần đây. Một trong những trang web lớn nhất, Chinagayles.com, cho biết họ có lượng thành viên lên tới 400.000 người và tạo điều kiện cho hơn 50.000 cuộc “hôn nhân hợp tác” trong 12 năm qua.
“Khi tôi bước sang tuổi 25, cha mẹ tôi bắt đầu gây áp lực bắt tôi phải kết hôn. Vì vậy, tôi đã lên mạng để tìm kiếm cách ứng phó”, Xiaoxiong nói. Cô bắt đầu mở một diễn đàn trên mạng xã hội QQ để giúp người đồng tính như mình tìm ra người bạn đời lý tưởng ở vùng Đông Bắc, Trung Quốc.
Năm 2012, cô kết hôn với một giáo viên trung học. Người này có tính cách khá dễ chịu, khiến cô cảm thấy rất thoải mái. Dẫu vậy, khi xem lại ảnh cưới của mình trong một chiếc váy trắng và bộ tóc giả xoăn màu đen, cô thừa nhận cảm thấy “buồn nôn”.
Không lâu sau, mối tình tám năm của cô cũng kết hôn với một người đàn ông đồng tính khác. Họ cùng quản lý một phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc và dành vài giờ mỗi tuần để trả lời câu hỏi trên diễn đàn mai mối trực tuyến. Xiaojing cảnh báo những người quan tâm đến “hôn nhân hợp tác” nên chuẩn bị sẵn sàng cho những biến cố phải đối mặt.
“Nhiều người vội vàng bước vào một cuộc hôn nhân với một ai đó mà họ không hề hiểu rõ”, cô nói. “Cũng giống như hôn nhân thực tế, mọi thứ chỉ tốt đẹp khi hai người đồng cảm với nhau về quan điểm sống như nơi ở, việc sinh con và khi quan tâm đến nhau”.
Mặc dù vậy, một số nhà hoạt động vì quyền đồng tính không đồng tình với cách làm này. “Bằng cách giấu giới tính thật sự của mình và được sự đón nhận của xã hội, họ đang bỏ lại những người LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) khác phải đối mặt với áp lực một mình”, Ah Qiang, một nhà hoạt động của nhóm PFLAG Trung Quốc cho biết. “Tôi nghĩ rằng một lý do khiến sự kỳ thị đồng tính vẫn còn quá lớn ở Trung Quốc là việc không có người đồng tính công khai nào cả”, ông nói thêm.
Xiaoxiong và Xiaojing tin rằng, gia đình có thể biết được sự thật về mối quan hệ của họ, nhưng không ai muốn thừa nhận sự thật đang diễn ra trước mắt. “Chúng tôi chẳng mong ước gì nhiều”, Xiaoxiong nói. “Mỗi khi về nhà và những lúc được ngồi cạnh nhau, chúng tôi chỉ cảm thấy thật bình yên và hạnh phúc”.