Người chồng bội bạc và đòn thù của một phu nhân
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 11/3/2003, khi vị cựu Bộ trưởng Năng lượng Anh Chris Huhne vội vã từ sân bay trở về nhà sau một chuyến công tác. Vì nóng lòng muốn gặp các con nên Huhne đã lái xe với tốc độ 69 dặm/giờ trên con đường chỉ cho phép lái xe điều khiển phương tiện với tốc độ tối đa 50 dặm/giờ. Tất nhiên, việc vi phạm luật giao thông này đã bị máy kiểm soát tốc độ đặt trên đoạn đường đó ghi lại.
Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của ông vào thời gian đó. Về đến nhà, trong tâm trạng lo lắng, Huhne quyết định đợi vợ mình là giáo sư kinh tế học gốc Hy Lạp, bà Vicky Pryce khi đó đang dự một buổi tiệc tối tại trường đại học Kinh tế London, trở về. Cả tối, Huhne ngồi nịnh và năn nỉ vợ nhận tội thay ông, cầu xin Pryce nhận là người cầm lái, nhận trừ điểm trên bằng lái xe của bà.
Thương chồng và mong muốn cứu sự nghiệp của chồng, Pryce nhận lời để ông Huhne không bị tịch thu bằng lái. Sự việc có thể sẽ vĩnh viễn bị giấu kín, chỉ có hai người là Huhne và Pryce biết nếu không có chuyện Huhne ly hôn Pryce vì cô bồ trẻ.
Chỉ sau cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 5/2010 được vài tháng, Huhne khiến nhiều người ngạc nhiên khi tuyên bố bỏ vợ để công khai cặp kè với cô trợ lý lưỡng tính Carina Trimingham của mình.
Tuy nhiên, cách Huhne thông báo với vợ lại khiến cho Pryce bị sốc mạnh. Trong những phút giải lao của một trận bóng đá World Cup 2010, Huhne thẳng thừng bảo vợ: "Tôi có người khác rồi, chia tay đi". Thời gian ngắn sau, hai người thường xuyên to tiếng, cãi vã vì sự phụ bạc của Huhne.
Đến năm 2011, họ quyết định ly dị và đưa nhau ra tòa, giải quyết mọi vấn đề về tài sản và con cái. Như vậy, sau 26 năm chung sống, có với nhau 3 mặt con, cuộc sống hôn nhân của họ cũng đi đến hồi kết, nhưng mối duyên nợ của họ vẫn chưa dừng lại ở đó. Cặp đôi này vẫn còn phải tiếp tục gặp nhau ở tòa một lần nữa.
Chris Huhne và Vicky Pryce.
Mang hận trong lòng vì cuộc hôn nhân tan vỡ, Pryce nung nấu ý định trả thù người chồng đã gây biết bao đau khổ cho bà. Pryce đến gặp một người bạn là luật sư có tiếng, nhờ tư vấn cách hạ bệ Huhne, khiến Huhne phải điêu đứng và mất đi sự nghiệp chính trị đang lên. Cách tốt nhất Pryce được bạn mình khuyên là kể lại vụ vi phạm giao thông của chồng cũ năm 2003 và vụ việc gian dối hồi tháng 5/2010 với hai tờ báo uy tín.
Đúng như kế hoạch, sau khi hai tờ báo đưa tin "Cựu Bộ trưởng Năng lượng nước Anh đã từng vi phạm luật giao thông và đổ tội cho một người khác được giấu tên", hàng loạt các tờ báo khác đã lấy lại, đăng tràn lan trên các trang chủ khiến vụ việc bị đổ bể. Pryce đã kín đáo để "người khác được giấu tên" nhằm che giấu sự đồng lõa của bà nhưng với sự nhạy bén và tầm quan sát tinh vi của các phóng viên và các nhà điều tra, tên tuổi của Pryce cuối cùng cũng lộ ra.
Bản án chưa thỏa đáng Tại tòa, luật sư của Pryce có đề cập đến cuộc hôn nhân của cựu Bộ trưởng Năng lượng Anh, Pryce bị Huhne bắt nạt, thậm chí bà còn bị ông ép phá thai và ép bà phải nhận tội thay mình. Luật sư của Pryce nói, bà sẽ kháng án, trong khi ngành công tố đang xem xét khả năng kháng nghị bản án 8 tháng tù là quá nhẹ đối với Pryce và Huhne, vì với tội danh khai man trước tòa, một người thường bị mức án từ 1 năm trở lên. |
Cả Huhne và Pryce cùng bị bắt và bị buộc tội khai man trước tòa. Đây chính là lần thứ hai cặp vợ chồng cũ này "đoàn tụ" trước vành móng ngựa nhưng với tư cách là hai kẻ phạm tội. Huhne và Pryce cùng lãnh mức án 8 tháng tù giam với tội danh khai man.
Phiên tòa kết thúc trong im lặng, cả ba đứa con của họ phải chia nhau về sống cùng ông bà nội ngoại. Kết quả là Huhne sẽ được chuyển về nhà tù Wandsworth, nhà tù lâu nay luôn trong tình trạng quá tải ở phía nam London. Wandsworth được xây dựng từ những năm 1850, là nhà tù lớn nhất nhưng cũng mang tiếng tệ nhất ở Anh.
Năm 2011, nhiều thanh tra ghi nhận có một thời gian các tù nhân bị nhốt trong xà lim đến 22 giờ/ngày, hiếm khi được sinh hoạt ngoài trời và hưởng chút nắng mặt trời. Bình thường, ở đây, mỗi tháng có khoảng 32 vụ tù nhân tự hủy hoại cơ thể nên khi Huhne được đưa vào đây, sẽ có một nhóm giám sát y tế theo dõi Huhne bởi ông thuộc nhóm dễ tự tử vì khủng hoảng tâm lý.
Nhưng điều Huhne lo ngại nhất chính là việc "ma cũ bắt nạt ma mới" tại nhà tù. Những "quan" giàu có như triệu phú Huhne dễ trở thành đối tượng bị các tù nhân mang án hình sự "dồn đến chân tường" cho "thừa sống thiếu chết".
Từ đỉnh cao, xuống vực sâu
Theo một số nguồn tin, Huhne vừa tủi nhục, vừa khổ sở để tồn tại trong môi trường ông chưa bao giờ nghĩ đến. Chỉ mới ngày đầu tiên đến "tạm trú" tại Wandsworth, các tù nhân mới, trong đó có Huhne phải nộp tư trang, cân đo trọng lượng cơ thể, lấy số đo và khám sức khỏe. Sau đó, Huhne được đưa vào sảnh lớn để chụp ảnh, lấy dấu tay, khám xét cơ thể và chịu dò sóng siêu âm nhằm phát hiện đồ vật được giấu ở chỗ kín.
Như bao tù nhân khác, Huhne được cấp số tù, gọi một cuộc điện thoại trước khi "nhập phòng" (trước khi vào xà lim). Ngoài ra, Huhne còn được tắm rửa sạch sẽ, được cấp quần áo tù là quần jeans xanh và áo sơ mi sọc xanh trắng. Tất cả đồ dùng cá nhân đều được làm bằng nhựa, đề phòng trường hợp tù nhân dùng chúng để tự tử. Cũng nguồn tin đó cho hay, bữa ăn đầu tiên tại nhà tù là bữa ăn để lại cho Huhne nhiều nỗi tủi nhục không nói nên lời.
Trong bữa ăn sáng, một quản ngục đã gọi vào loa, nói dõng dạc: "Tất cả trật tự! Nhân vật đáng kính của Wandsworth đang đến văn phòng. Tất cả mau dẹp đường". Toàn bộ tù nhân nghe được thông báo đó đều cười như nắc nẻ. Đối với một vị "quan bị ngã ngựa" như Huhne, đây là một sự sỉ nhục rất lớn.
Lập tức, Huhne đã xin chuyển đến khu giam tù nhân chưa quen với cuộc sống ở tù, vì ở khu xà lim chính, các tù phạm khác coi việc sỉ nhục và bắt nạt ông, thậm chí "vòi" tiền ông vì chúng biết ông là một triệu phú, như một trò tiêu khiển trong tháng ngày u ám ở nhà tù.
Không chỉ "bạn cùng phòng" bắt nạt, Huhne còn nhận được những ánh mắt dò xét của các tù nhân khác khi đến phòng ăn, họ đều theo dõi Huhne để xem có "kiếm chác" được gì ở vị triệu phú này không.
Chưa hết, bọn tù phạm "giang hồ" có thể phục trước xà lim của "ma mới, cử 2, 3 tên vào trong để "chào ma mới" bằng cách đòi cho sử dụng cuộc điện thoại hằng tuần, hoặc bị ép phải nhờ người thân gửi tiền vào một tài khoản ngân hàng nào đó.
Thông tin tù nhân bị đối xử tồi tệ rò rỉ ra ngoài. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Anh không đưa ra bất cứ lời bình luận nào về vấn đề này.
Về phần vợ của Huhne, Pryce bị chuyển thẳng đến nhà tù Holloway, nhà tù nổi tiếng có hơn nửa số tù nhân nữ có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. Cũng như Huhne, Pryce phải nộp hết đồ trang sức và được cấp quần áo tù. Cuộc sống của Pryce có phần dễ chịu hơn Huhne một chút, chỉ có điều bà phải cố làm quen với những tiếng la hét, khóc lóc, tuyệt vọng của những tù nhân nữ dễ xúc động khác.
Pryce phải chung phòng với ba nữ tù nhân khác và bà không phải trải qua những chuyện kinh hoàng như của Huhne. Các cựu nữ tù ở đây nói, nếu Pryce biết khôn ngoan, không ra vẻ "đẳng cấp cao" thì sẽ chẳng ai ăn hiếp bà.
Hồng Nhung (Theo Dailymail/Telegraph)