Một phần vì thời gian không được dài, một phần là tôi cũng muốn trải lòng nhiều hơn nên quyết định viết thư này gửi anh cũng như bạn đọc của anh. Từ ngày về hưu, tôi vẫn hay đọc xem học trò mình viết gì. Thi thoảng cũng nhắn riêng học trò về những gì anh viết và suy nghĩ của mình.
Chuyện của tôi, 2 đứa con cả 2 đều ly hôn là cú sốc lớn với tôi- ông lão 71 tuổi này, một thầy giáo già. Cô con gái lớn năm nay 39 tuổi, có 2 đứa con, ly dị mỗi đứa nuôi một đứa. Cậu con trai út thì năm nay 35 tuổi, mới kết hôn được 6 năm cũng đã ly hôn mấy tháng trước theo chân cô chị. Cũng vì điều này mà bà nhà tôi đột quỵ 2 lần và giờ đi lại vô cùng khó khăn.
Tôi không biết tại sao người trẻ các bạn coi chuyện ly hôn dễ dàng đến thế? Vợ chồng chúng tôi sống với nhau hơn 40 năm cũng trải qua biết bao thăng trầm mà hôn nhân lúc nào cũng tương kính như tân. Người trẻ yêu nhau 4 năm thôi mà cũ mèm rách bấy. Thời của chúng tôi có giận nhau đến mấy cũng ngồi lại bên nhau mà thủ thà thủ thỉ. Người trẻ thì một cái sai nhẹ cũng thành bão táp phong ba, leo thang quan điểm. Hay vì 2 vợ chồng tôi cùng là nhà giáo nên làm gì cũng nghĩ trước ngoái sau, cư xử như những người có học hành và đang đi dạy người khác? Chứ tôi thấy trong 2 cuộc ly dị của con mình, cuộc nào cũng có thể sửa chữa lại được như mới, thậm chí còn có thể mới hơn.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Tôi trách con gái và con trai mình trước. Con gái tôi nói lý do ly dị là vì chồng có người khác. Bị con gái tôi phát hiện ra. Lần đầu con gái tôi bỏ qua nhưng đến lần thứ 2 thì con tôi không chịu nổi nữa mà quyết định ly hôn. Thoạt nhìn thì đúng là vậy. Nhưng tôi biết tính con gái vì tôi sinh ra nó, nuôi nó hơn 30 năm trời. Nó kiếm ra tiền nên nó sống độc lập quá. Ở nhà, cái gì nó cũng cho nó quyền được quyết mà chẳng bao giờ chịu trao đổi, chia sẻ với chồng. Tôi đã nhắc nhở nó nhiều lần. Rằng hôn nhân không phải chuyện một người, vợ chồng không thể phân vai chính phụ. Làm gì thì làm cũng nên trao đổi với chồng lấy một câu. Đàn ông sĩ diện, nếu họ thấy họ bị tước quyền được tham gia vào hôn nhân, họ sẽ chán.
Con rể tôi thì khá yêu vợ, chiều con. Chỉ là làm ăn có lúc này lúc nọ. Đàn ông thất bại trong sự nghiệp thì về còn có vợ có con sẽ đỡ hơn là về vợ không chia sẻ còn phán xét kiểu: Anh thất bại là đúng rồi. Tại anh abc, xyz… nên anh mới thất bại. Việc con rể tôi có bồ cũng là bởi cậu ấy không chia sẻ được với vợ. Sĩ diện đàn ông khiến cậu ta kiếm một phụ nữ tầm thấp để lấy lại sĩ diện đã mất trước vợ. Kiểu lấy lại quyền lực để vãn hồi tự trọng đàn ông. Nhưng con gái tôi thì nhất nhất cho rằng nó chẳng làm sai gì cả. Lần một bắt được nó nói nó tha thứ nhưng tha thứ như một người lớn tha thứ cho trẻ nhỏ, rất bề trên. Nhưng lại vẫn trẻ con nên tha thứ mà vẫn cay cú, dằn vặt.
Cậu con rể đã muốn làm lại từ đầu nhưng chẳng có cơ hội. Suốt 1 năm trời cậu ấy như một cái bóng trong nhà, trở thành thứ đàn ông vô tích sự trong mắt vợ. Nên lần thứ 2 mà con gái tôi bảo phát hiện ra cậu ta vẫn qua lại với cô gái kia thật ra chỉ là cưỡng từ đoạt lý. Chẳng có bằng chứng nào xác nhận cậu ấy còn qua lại với cô gái kia nhưng vì lòng tin đã mất nên nhìn đâu cũng ra vi khuẩn, vi trùng. Đi qua ruộng dưa hấu cúi xuống buộc dây giày cũng thành kẻ trộm dưa hấu. Giờ hai người nuôi hai đứa con chẳng đứa nào được hạnh phúc trong cả 4 đứa đó. Thậm chí là 6 đứa tính cả tôi với bà nhà tôi. Mà nói sao nó cũng vẫn cứng đầu cho rằng nó làm đúng. Phụ nữ độc lập là tốt nhưng độc lập đến mức không cần chồng thì độc lập ấy thành độc đoán mất rồi.
Chuyện của cậu con trai út cũng buồn như thế. Vợ chồng phải bao dung với nhau nhưng con trai tôi lại quá để ý đến những thứ tiểu tiết. Tôi dạy con rất nhiều lần về việc đàn ông nhìn mọi thứ phiên phiến thôi, rộng ra và xa hơn. Chứ đừng chỉ thấy những thứ tiểu tiết, cận thị về người mà viễn thị về mình. Con trai tôi không thấy được những thứ tốt đẹp ở con dâu mà chỉ thấy vợ mình phải thế này, phải thế nọ. Trong khi lại chẳng thấy được những gì thực sự ở mình chưa ổn mà cứ ảo tưởng rằng mình rất ổn. Từ chuyện bà nhà tôi bị đột quỵ lần 1 vì chuyện con gái bỏ chồng, con trai tôi nằng nặc đòi dọn về sống cùng bố mẹ vì lo bố mẹ già cả ở một mình lỡ may có bề gì.
Dù tôi nói rồi, rằng “tôi 71 tuổi nhưng vẫn có thể đi xe máy. Tôi vẫn có thể chăm sóc mẹ anh, anh cứ sống với vợ anh cho hạnh phúc, đừng giống chị gái anh là chúng tôi vui lắm rồi”. Với lại tôi cũng biết tính bà nhà tôi. Bà ấy tốt tính nhưng rất hay quan tâm thái quá. Cứ xa thì thơm, gần tất thường. Con dâu chẳng cần phải quá chăm sóc bố mẹ chồng, cứ hiếu kính là được. Nhưng con trai tôi lại không nghĩ vậy. Nó giận vợ vì vợ giãy nảy khi nó bảo đưa bố mẹ về ở cùng để tiện chăm sóc. Nhà con trai tôi thì rộng rãi. Có sân vườn và ở trong khu cao cấp. Còn vợ chồng tôi vẫn đang ở khu tập thể. Có lẽ vì vậy mà cậu chàng cảm thấy áy náy khi con thì ở nhà cao cửa rộng, bố mẹ lại ở tập thể lôi thôi lếch thếch. Nhưng cậu không hiểu là bố mẹ ở đây hơn 40 năm rồi, quen từng hàng xóm láng tỏi. Giờ dọn đi sẽ nhớ căn nhà này lắm.
Căn hộ nhỏ của chúng tôi không chỉ là một căn hộ tập thể. Mà nó còn là “văn phòng làm việc” của 2 vợ chồng. Là mái tranh chứa hai trái tim vàng. Là trường học riêng của 2 vợ chồng với hàng trăm lượt học trò lên đây học.Từ chuyện đó mà con trai tôi giận con dâu. Cho rằng vợ không quan tâm đến bố mẹ chồng. Lỡ hai cụ có làm sao thì ân hận suốt đời. Con dâu thì tâm tốt nhưng miệng thì chưa khéo nên thành đổ dầu vào lửa. Kết quả là con trai tôi đùng đùng tuyên bố “Anh về sống với bố mẹ. Kệ em”. Rồi còn ấm ách bảo tôi: “Ba cứ bênh vợ con. Con đối xử với bố mẹ vợ của con một trân hai quý. Trả hết nợ cho bố vợ cờ bạc. Mua gì cho ba con cũng mua cái đó cho bố mẹ vợ. Thậm chí hồi xây nhà, con ở nhờ nhà vợ hơn một năm có một câu kêu ca gì? Luôn coi bố mẹ vợ như ba với mẹ ruột của mình. Vậy sao vợ con không thấy? Nếu không phải mẹ đột quỵ và ba đã già rồi thì con có bắt vợ con phải về sống chung đâu? Chị hai lấy chồng rồi có bỏ chồng cũng vẫn ở ngoài chứ có về chăm sóc ba mẹ đâu. Con là con trai con phải có trách nhiệm”. Tôi mừng vì con trai có hiếu nhưng lại buồn vì con suy diễn chuyện vợ mình nói thế là bạc bẽo với bố mẹ mình.
Tôi bắt đầu đi dạy từ năm 21 tuổi, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm. Đến ngày nghỉ hưu thì cũng đã đứng lớp được 40 năm. Dạy bao thế hệ học trò rồi mà sao dạy mãi chẳng được con mình? Các con ly hôn, tôi không xấu hổ mà chỉ buồn vì tan đàn xẻ nghé. Những cuối tuần, căn hộ tập thể tí xíu của 2 vợ chồng lúc nào cũng ồn ào 3 đứa cháu nội ngoại và dâu rể sum vầy. Giờ cuối tuần buồn hắt buồn hiu. Tôi không cổ hủ chuyện hôn nhân trăm năm một kiếp nhưng buồn đến đau lòng vì con trẻ thay mới thay vì sửa cũ. Cái xe đạp tôi mua từ hồi đám cưới, đã từng theo tôi suốt những năm gian khó của đất nước, hỏng lên hỏng xuống mà sửa lại vẫn đi ngon lành. Thế mà con mình hôn nhân tân kỳ như xe hơi lại chỉ chạy được vài năm đã đòi thay mới?
Tôi mong các bạn trẻ có thể cho tôi ý kiến để tôi hiểu và có thể khuyên giải con mình? Liệu chúng làm vậy có phải là đúng trào lưu giới trẻ hôm nay không?