Đen: Có túi chi nặng thế cha nội?
Đá: Đá, sỏi.
Đen: Ông chuyển nghề trông cây cảnh, non bộ hay lọc nước kiểu cổ điển?
Đá: Thế ông chưa nghe ngậm đá sỏi chữa ngọng bao giờ à.
Đen: Chẳng liên quan. Nói toạc móng heo ra đi.
Đá: Mang tiếng học xa trông rộng. Tôi quê xứ Thanh, luyện mãi mà dấu hỏi dấu ngã cứ lộn tùng phèo.
Đen: Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, tự dưng đòi ngậm sỏi là sao?
Đá: Khổ lắm. Cũng vì miếng cơm manh áo. Không luyện giọng, mất việc như chơi ấy chứ.
Đen: Ông công chức đàng hoàng, mẫn cán, thanh cao, liêm khiết, trải thảm giữ lại mới đúng. Ai trách cứ, ai đuổi?
Đá: Ông mở Dự thảo quy chuẩn phát ngôn của cán bộ, công chức Hà Nội đi, biết liền.
Đen: Người ta yêu cầu cán bộ, công chức không được phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân… Liên quan gì viên sỏi?
Đá: Có quy định công chức phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương…
Đen: Mới là “dự” thôi. Đã quyết đâu mà lo cho mệt người.
Đá: Tính tôi hay lo xa. Ngoài việc cơ quan, chả biết làm ăn gì. Nói dại, nếu không may, nghỉ việc ra đường cũng không biết đứng đâu.
Đen: Nghe ông nói tôi cũng thấy bất an. Quê tôi nổi tiếng ngọng một số từ cơ bản. Mà mình thì “sinh ra từ làng”.
Đá: Nhưng ngôn ngữ không phải là đồng phục. Không thể gò bó, theo kiểu bắt buộc như đeo phù hiệu, mặc cùng một màu áo.
Đen: Nói đâu xa, Hà Nội cũng nhiều vùng ngôn ngữ đặc trưng. Chả lẽ đấy là cái lỗi?
Đá: Mà muốn “bắt” được lỗi thì phải có bộ tiêu chí. Phức tạp quá.
Đen: Quy chuẩn để xây dựng hình ảnh, văn hóa công sở, tạo chuẩn mực về văn hóa là cần thiết. Nhưng phải chi tiết, cụ thể để đề án đi vào cuộc sống.
Đá: Chờ xem. Nhưng “cẩn tắc vô áy náy”, ông cứ san cho tôi ít sỏi phòng thân.
Đ.Đ