Ra đời cách đây 30 năm dựa trên nguyên tác của tác giả Tào Tuyết Cần, Hồng Lâu Mộng bản 1987 trở thành một trong những tác phẩm truyền hình kinh điển nhất mọi thời đại của điện ảnh Trung Hoa mà khó có phiên bản nào có thể qua mặt.
Phát sóng lần đầu vào năm 1987, bộ phim từng được nhận giải Phim truyền hình hay nhất quy tụ hơn 213 nhân vật nữ từ cao sang quyền quý tới các tiểu thư khuê các cùng tầng lớp hạ lưu.
Với dàn diễn viên cực "khủng", Hồng Lâu Mộng trở thành bộ phim có số lượng người tham gia đông nhất từ trước tới giờ.
Mặc dù phiên bản gốc của tiểu thuyết kéo dài đến 120 hồi nhưng khi chuyển thể thành phim, các nhà thực hiện đã tinh tuyển 36 hồi tiêu biểu để có 36 tập phim xuất sắc.
Trong những năm cuối thập niên 90, để phục vụ cho bộ phim Hồng Lâu Mộng, đoàn làm phim Trung Quốc đã vất vả và chật vật bởi kinh phí ít ỏi, không kỹ xảo cũng không có bối cảnh phim trường.
Đó là thời kỳ khi ngành làm phim của nước này còn thô sơ, các phim trường hoành tráng hàng đầu như Hoành Điếm, Vô Tích chưa xây dựng như những gì cố đạo diễn Dương Khiết Tây Du Ký từng nói: "Chúng tôi vượt khó để làm phim".
Giống với Tây Du Ký, Thuỷ Hử hay Tam Quốc diễn nghĩa, những ký ức làm phim của đoàn làm phim Hồng Lâu Mộng như nhắc lại hồi ức nghèo nàn khó phai mờ.
Hồng lâu mộng có kinh phí 6,8 triệu NDT (tương đương 20 tỷ đồng ở tỷ giá hiện nay) cho chiều dài 36 tập phim quay trong 3 năm.
Tuy vậy, đạo diễn Vương Phù Lâm tự hào: "Chúng tôi ít kinh phí vì là phim nhà nước nhưng chúng tôi đã mang đến bộ phim để đời".
Đoàn phim ngày đó không có bối cảnh phim trường quy mô nên để thực hiện được các cảnh quay khác nhau, đoàn làm phim đã phải rong ruổi khắp cả 41 tỉnh thành, quay tại 219 địa điểm.
Hồng Lâu Mộng có 4 biên kịch chắp bút dựa trên nguyên tác nhưng do điều kiện kinh phí không đủ nên vài tình tiết khó trong tiểu thuyết bị lược bỏ.
Biên kịch Chu Lôi tâm sự: "Trình độ kỹ thuật quay phim thập niên 1980 còn hạn chế, khán giả vì thế không được thưởng thức đến cùng mọi tinh hoa của tiểu thuyết kinh điển. Ví dụ như cảnh Giả Bảo Ngọc mộng du hư ảo. Đó là điều chúng tôi tiếc nuối nhất sau gần 20 năm".
Để khắc hoạ đúng về bản chất nhân vật trong phim, các diễn viên đều phải tự học cầm kỳ thi hoạ. Được biết, do không có điều kiện học riêng bài bản với thầy giáo chuyên cổ cẩm, cố diễn viên Trần Hiểu Húc (Lâm Đại Ngọc) hay Trương Lợi (Tiết Bảo Thoa) đều phải tự học đàn ngay tại phim trường.
Ai biết về "món" nào thì chỉ bảo và chia sẻ cho nhau khiến không khí trong đoàn làm phim Hồng Lâu Mộng ấm áp như những lời nghệ sĩ Âu Dương Phấn Cường từng nói: "Ngày ấy, diễn viên quần chúng hay diễn viên chính không có nhiều sự khác biệt như bây giờ, chúng tôi là một gia đình".
Về hoá trang và phục trang, quả là một điều khó khi lượng người tham gia trong bộ phim này lên tới con số hàng trăm. Bởi vậy đó là một điều khiến cho đạo diễn Vương Phù Lâm "đau đầu" hàng tháng trời.
Tài trợ ít ỏi, nên các bộ trang phục luân phiên sử dụng cho nhiều người tuỳ vào các cảnh quay. Ngoài ra, công tác hóa trang phía sau ống kính là một câu chuyện để suy ngẫm.
Khác với những bộ phim hiện nay được "cấp" hẳn 1 ê-kíp chuyên nghiệp với những sản phẩm trang điểm đắt tiền, đoàn làm phim Hồng Lâu Mộng sử dụng 1 bộ dụng cụ make-up duy nhất của sân khấu kịch.
Các diễn viên đồng thời là những "chuyên gia trang điểm", họ tự "hoạ mặt" cho mình, thế nhưng khi xem phim, đến giờ khán giả vẫn khẳng định dàn diễn viên bản phim năm 1987 đẹp như hoa, như ngọc.
Cái hay của Hồng Lâu Mộng không phải sự hoành tráng, đầu tư mạnh kỹ xảo mà đó là sự xuất thần và "chất" đến từ diễn xuất.
Với những ai đã từng nghiền ngẫm và yêu mến tiểu thuyết cùng tên của Tào Tuyết Cần, họ như nhìn thấy các nhân vật như bước ra từ trong tiểu thuyết.
Nét hờn dỗi, sự bất cần nhưng tài trí và đa tình của Giả Bảo Ngọc đã đóng khung với Âu Dương Phấn Cường, nét mảnh mai như sương như ngọc của Lâm Đại Ngọc trở thành tượng đài bất diệt đối với cố diễn viên Trần Hiểu Húc.
Nói về sự thành công của Hồng Lâu Mộng, khán giả nhận định đây là bằng chứng cho thấy nghệ thuật không cần vỏ bọc bên ngoài cầu kỳ.
Đoàn phim năm đó thiếu thốn kỹ thuật nhưng lại chuẩn bị kịch bản và casting diễn viên chuyên nghiệp. Riêng kịch bản được chỉnh sửa trong 3 năm, năm 1983 có bản thảo sơ bộ, 1984 sửa lần 2 và đén tháng 1/1986 mới có kich bản cuối.
Dàn diễn viên đóng phim là những gương mặt mới được tuyển chọn trên quy mô toàn quốc. Đây là điều mà các dự án phim hiện đại thiếu: Đó chính là kịch bản chắp vá, casting diễn viên dựa vào quan hệ dẫn đến tác phẩm bị chỉ trích về nội dung.
Để theo dõi tiếp, mời quý độc giả đón xem phần 3: "Hồng Lâu Mộng – những ngày tháng "ăn xin" tới chuyện cát-xê chỉ bằng cái bánh rán" được đăng tải vào thứ Hai, ngày 18/2 trên báo điện tử Người Đưa Tin.
Minh Anh