Hợp đồng hôn nhân: Không phù hợp với văn hóa người Việt

Hợp đồng hôn nhân: Không phù hợp với văn hóa người Việt

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Các luật sư cho rằng, "hợp đồng hôn nhân" hầu hết là các "thỏa thuận ngầm" vì chưa được pháp luật thừa nhận.

Hiện Luật Hôn nhân & Gia đình (HN&GĐ) chưa có quy định về hợp đồng hôn nhân. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên bổ sung quy định này để phân định tài sản chung, riêng, trước, trong và sau hôn nhân hoặc khi vợ chồng muốn chia tài sản khi ly hôn.

Trên thực tế việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn là vấn đề phức tạp. Nhiều trường hợp bế tắc, nhất là khi tài sản đó không đứng tên chồng mà chuyển hóa thành tên của hai vợ chồng hoặc của riêng người vợ. Do vậy, khi có hợp đồng hôn nhân, nếu xảy ra tranh chấp, tòa án cũng đỡ mất thời gian điều tra xác minh, vợ chồng cũng không mất công sức tìm cách chứng minh tài sản của mình.

Pháp luật - Hợp đồng hôn nhân: Không phù hợp với văn hóa người Việt

Luật sư Triệu Trung Dũng cho rằng xét về mặt văn hóa, đạo đức thì chưa nên công nhận hợp đồng tiền hôn nhân

Trao đổi với PV Người đưa tin, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: "Ở một số nước phương Tây, pháp luật cho phép trước khi kết hôn, nam nữ có quyền lập khế ước (hợp đồng) hôn nhân. Các bên thỏa thuận các vấn đề pháp lý như phân định tài sản chung, riêng, trước, trong và sau hôn nhân hoặc liên quan đến việc một hoặc hai bên muốn chấm dứt hợp đồng hôn nhân như tình cảm (ly hôn, ly thân), quyền nuôi con và chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn".

Cá nhân Luật sư Tiến nhận định, ở Việt Nam việc lập hợp đồng tiền hôn nhân chưa được công nhận bởi nó không phù hợp văn hóa và truyền thống về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, nhiều tân vợ chồng vẫn tự làm hợp đồng "thỏa thuận ngầm" với nhau. Chính vì thế, trong các trường hợp tranh chấp, vợ hoặc chồng có đưa ra "hợp đồng hôn nhân" đòi quyền phân chia tài sản thì sẽ không được pháp luật công nhận bởi trong Luật HN&GĐ cũng như các văn bản có liên quan, chưa có quy định nào cho phép nam, nữ lập và ký kết hợp đồng hôn nhân.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Trịnh Trung Hòa, chuyên gia tâm lý về hôn nhân và gia đình chỉ ra các điều luật quy định rạch ròi về tài khoản chung, riêng, quyền được thăm nuôi con cái khi hai vợ chồng đã ly hôn. Trong Điều 32 Luật HN&GĐ quy định "Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân và đồ dùng, tư trang cá nhân". Cũng theo điều luật này thì vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

Luật sư Triệu Trung Dũng, Văn phòng Triệu Dũng và cộng sự cũng cho rằng, việc thực hiện hợp đồng hôn nhân sẽ giúp cho việc phân chia tài sản được minh bạch dễ dàng hơn, giải quyết được nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, xét theo phương diện của văn hóa, đạo đức của Việt Nam vì việc này là chưa nên. Bởi lối sống của chúng ta hoàn toàn khác các nước phương Tây. Hơn nữa, đây là một vấn đề tương đối phức tạp, cần phải nghiên cứu một cách cẩn trọng nếu ban hành.

Luật sư Dũng lấy ví dụ: Trước khi cưới người chồng đã có nhà cửa, công ăn việc làm ổn định còn người vợ không có tài sản gì. Sau thời gian chung sống, họ làm thủ tục ly hôn. Nếu trong hợp đồng có ghi, "tất cả những tài sản trong ngôi nhà đều của người chồng trong trường hợp ly hôn" thì có khác gì đẩy người vợ ra đường với hai bàn tay trắng. Trong khi đó người vợ này đã mất một thời gian để chăm sóc gia đình mà không có thời gian để làm kinh tế...

Long Giang


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.