Hợp đồng tiền hôn nhân có hợp pháp ở Việt Nam?

Hợp đồng tiền hôn nhân có hợp pháp ở Việt Nam?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 04/05/2021 14:46

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không có đề cập về khái niệm hợp đồng tiền hôn nhân. Đây chỉ là cách gọi mang tính chất quy ước của văn bản thỏa thuận về tài sản.

Mới đây, Bill Gates lên Twitter thông báo ông và người vợ gắn bó gần 3 thập niên sẽ ly hôn. Tin này gây sốc toàn thế giới vì trong mắt nhiều người, họ là cặp vợ chồng hạnh phúc, tận tâm bên nhau và luôn đồng hành trong các hoạt động từ thiện toàn cầu.

Tỉ phú Bill Gates là nhà đồng sáng lập hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft và từng nhiều lần đứng đầu danh sách người giàu nhất thế. Ông và vợ, bà Melinda Gates, lấy nhau được 27 năm, có 3 người con gồm Jennifer, Rory và Phoebe.

Trước khi thông báo ly dị, Bill Gates là người giàu thứ 4 thế giới với tài sản ròng 146 tỷ USD, sau Bernard Arnault (155 tỷ USD), Elon Musk (175 tỷ USD) và Jeff Bezos (203 tỷ USD).

Vợ chồng ông đã dành khoảng 50 tỷ USD trong khối tài sản của mình để làm từ thiện, thông qua các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp. Do vậy, nếu họ không làm điều này thì tài sản thực sự của họ ở thời điểm hiện nay vào khoảng 196 tỷ USD.

Theo Fox News, vợ chồng tỷ phú công nghệ dường như không có hợp đồng tiền hôn nhân. Do vậy, tin tức họ ly hôn khiến dư luận bắt đầu suy đoán về tác động tài chính từ quyết định của họ trong thời gian tới.

Nếu vợ chồng Gates thực sự không có thỏa thuận tiền hôn nhân, nơi ở của họ sẽ quyết định việc phân chia khối tài sản khổng lồ.

Góc nhìn luật gia - Hợp đồng tiền hôn nhân có hợp pháp ở Việt Nam?

Tại Việt Nam, liệu hợp đồng tiền hôn nhân có hợp pháp không?

Mọi người không hề xa lạ khi nghe đến cụm từ “hợp đồng tiền hôn nhân”. Tuy nhiên, tại Việt Nam, liệu loại hợp đồng này có hợp pháp không?

Nên hiểu hợp đồng tiền hôn nhân thế nào?

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn theo Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng hôn nhân là sự thỏa thuận giữa vợ và chồng về quan hệ hôn nhân giữa hai người. Trong đó, chế độ hôn nhân gồm toàn bộ những quy định về kết hôn; ly hôn; quyền nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng,….

Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề hợp đồng hôn nhân ngoài thỏa thuận về chế độ tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân.

Việc xác lập quan hệ hôn nhân nhằm mục đích xây dựng gia đình giữa 1 nam và 1 nữ, dựa trên tinh thần tự nguyện, do hai người có đủ điều kiện để kết hôn và được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì sẽ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Theo đó, bất cứ loại hợp đồng nào không nhằm mục đích xây dựng gia đình mà chỉ lợi dụng việc kết hôn để thực hiện mục đích khác: Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, nước ngoại… là trái pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.

Ngoài ra, hiện nay, theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, giữa vợ chồng chỉ có thỏa thuận về chế độ tài sản là dạng thỏa thuận có thể lập thành hợp đồng. Thỏa thuận này phải lập trước khi kết hôn dưới hình thức là văn bản có công chứng hoặc chứng thực và được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Theo khoản 1 Điều 48 thì vấn đề tài sản trong thời kỳ hôn nhân bao gồm tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; Nội dung khác có liên quan.

Như vậy, mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không hề quy định rõ ràng về hợp đồng hôn nhân, tuy nhiên, xét về bản chất, khi các cặp đôi thỏa thuận với nhau về chế độ tài sản thì cũng tương đương với việc giao kết một hợp đồng.

Cũng theo quy định tại Điều 47, hợp đồng tiền hôn nhân chỉ có hiệu lực khi những thỏa thuận được lập thành văn bản và được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.

Hợp đồng hôn nhân sẽ phải được lập trước và chính thức có hiệu lực kể từ thời điểm 2 vợ chồng ký vào giấy đăng ký kết hôn. Và trong tương lai, nếu trong trường hợp 2 người ly hôn thì những thỏa thuận này cũng chấm dứt và là căn cứ để giải quyết ly hôn.

Như vậy, ngoài hợp đồng hay còn gọi là văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì những thỏa thuận khác đều không được pháp luật quy định.

Đặc biệt những hợp đồng hôn nhân vì mục đích trục lợi, hợp đồng lập ra để kết hôn giả là những hợp đồng vi phạm pháp luật.

Việc xử lý kết hôn giả tạo được quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

Theo đó, để hủy kết hôn trái pháp luật thì Tòa án căn cứ vào yêu cầu của vợ, chồng, điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp… để quyết định. Lúc này, nếu hai bên vợ chồng đã có đủ điều kiện kết hôn theo quy định thì:

- Nếu cả hai cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận kể từ khi hai bên đủ điều kiện kết hôn.

- Nếu chỉ có một trong hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái phép hoặc công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.

- Nếu một bên yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Đáng lưu ý là nếu tại thời điểm Tòa giải quyết việc kết hôn trái pháp luật nhưng hai bên vẫn không đủ điều kiện kết hôn thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn này dù một trong hai hoặc cả hai bên có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.

Lúc này, nếu việc kết hôn giả tạo bị Tòa án tuyên hủy thì quan hệ vợ chồng giữa hai người sẽ chấm dứt. Kèm theo đó quan hệ giữa cha mẹ con cái, chế độ tài sản chung sẽ được giải quyết như khi vợ chồng ly hôn.

Việc kết hôn giả tạo không chỉ không được pháp luật công nhận mà thậm chí nếu mục đích của việc kết hôn này không nhằm để xây dựng gia đình, vì mục đích trục lợi thì có thể bị phạt hành chính.

Theo đó, nếu người nào lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình sẽ bị thạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

H.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.