Bộ GD&ĐT sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo, không phân biệt hệ tại chức hay chính quy là một trong những điểm mới trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH vừa được Bộ GD&ĐT công bố để lấy ý kiến.
Phóng viên chúng tôi đã có cuộc phóng vấn lấy ý kiến của SV đang theo học hệ ĐH chính quy về vấn đề này.
Theo đó, em Vũ Văn Thắng, SV ĐH KHXH&NV bày tỏ: “Em không đồng ý với dự thảo luật này, vì bằng ĐH tại chức chắc chắn không thể bằng chính quy, từ thi tuyển đầu vào đến chuẩn đầu tra. Ở đại học chính quy phải trải qua kỳ thi đầu vào rất khó khăn, trong 4-5 năm tiếp theo bọn em được đào tạo theo những chuyên ngành chuyên biệt và để lấy tấm bằng ra trường cũng không đơn giản.
ĐH tại chức như em biết đa phần dành cho người đã đi làm, thi đầu vào đầu ra dễ dàng hơn rất nhiều. Thời gian học cũng rất ngắn chỉ vào những buổi tối cuối tuần, như vậy không thể đảm bảo so với Bằng của ĐH chính quy được”.
“Về mọi mặt thì Bằng ĐH tại chức không thế so với bằng ĐH chính quy, em biết đa phần người đã đi làm cần học thêm hệ tại chức để bổ sung bằng cấp. Không nói đến năng lực thực tế, mà nó về chất lượng đạo tạo ở hệ này em nghĩ sẽ không đảm bảo. Và người đi học họ cũng chả biết họ học gì mà chỉ cần lấy bằng mà thôi”, em Trần Ngọc Nam, SV Khoa Luật, ĐH QGHN quan ngại.
Em Nguyễn Ngọc Linh sinh viên (ĐH Kinh tế Quốc dân) nêu quan điểm: “Nếu thực sự dự thảo Luật quy định bằng ĐH tại chức và chính quy có giá trị như nhau, em cảm thấy có chút không công bằng, vì ai từng trải qua kỳ thi ĐH sẽ thấy nó cam go và khó khăn thế nào.
Theo em để đảm bảo công bằng thì các trường đào tạo cần nâng cao chất lượng đầu vào, đầu ra, cũng như chất lượng chương trình giảng dạy hiện tại. Cá nhân em nghĩ việc này rất khó vì người đi học ĐH tại chức đa phần đều đã đi làm, như em biết tình trạng thuê người học thay, cũng như nhiều tiêu cực còn tồn tại phổ biến”.
Công Luân - Đặng Thủy