Một quy định mới về hợp nhất bằng đại học chính quy và tại chức được bộ GD&ĐT đưa vào dự thảo luật Giáo dục đại học (sửa đổi) khiến dư luận “dậy sóng”. Đã có ý kiến quan ngại bộ GD&ĐT vì “nồi cơm” của các trường ĐH bỏ qua quyền lợi của sinh viên khi mà nhiều nơi các cơ quan tuyển dụng “nói không” với bằng tại chức.
Liên quan vấn đề này, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐB Cao Đình Thưởng, Ủy viên ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
PV: Quan điểm của ông về việc hợp nhất bằng ĐH đào tạo diện chính quy và tại chức như thế nào, thưa ông?
ĐB Cao Đình Thưởng: Thực tế, không chỉ riêng ở tỉnh Phú Thọ, mà nhiều địa phương tuyển công chức, viên chức đầu vào hầu như không tuyển người có bằng tại chức.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta chỉ xóa điều này với điều kiện hệ thống đào tạo của các trường ĐH phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Thực tế, việc đào tạo tại chức hiện nay xã hội không yên tâm. Dù có thể 100 người học tại chức có vài người học đúng, học được nhưng đa số là chất lượng đào tạo không đảm bảo. Chính vì thế, những cơ quan, tổ chức sử dụng lực lượng lao động này không tin tưởng. Niềm tin vào chất lượng đào tạo bị mất nên nhiều địa phương họ ít tuyển người có bằng tại chức.
Thực tiễn Việt Nam đào tạo hệ tại chức trình độ ĐH lộn xộn. Thậm chí, chất lượng đào tạo ở hệ chính quy giữa các trường cũng khác nhau. Chưa nói, chất lượng đào tạo giữa các trường công với nhau cũng không đồng đều, chất lượng thầy, người học, cơ sở vật chất, đầu vào cũng không ổn chứ chưa nói đến hệ tại chức.
PV: Nghĩa là từ thực tế tuyển dụng nhiều cơ quan đã kiên quyết “nói không” với bằng ĐH hệ tại chức do không đáp ứng yêu cầu?
ĐB Cao Đình Thưởng: Tôi đơn cử, học sinh học lực trung bình, điểm đầu vào quá thấp để học ĐH thực sự là rất vất vả. Vì thế, đầu ra cũng không được như mong muốn. Nói thật, việc sử dụng lực lượng lao động này cũng là khó khăn cho xã hội. Chính vì thế, theo tôi Việt Nam nên có đặc thù trong chính việc mở trường, mở ngành đào tạo. Cơ sở nào đảm bảo mới cho đào tạo chứ không thể ồ ạt mở. Nếu như hình thức đào tạo bị xóa nhòa liệu các trường có ồ ạt tuyển người học.
PV: Nói như ông, ở thời điểm hiện tại việc không phân biệt hình thức đào tạo trên văn bằng là không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam?
ĐB Cao Đình Thưởng: Bao giờ hệ thống đào tạo, kiểm định chất lượng của chúng ta tốt như các nước tiên tiến trên thế giới thì lúc đó điều này mới hợp lý. Thậm chí, ở các nước tiên tiến họ chẳng cần quy định điểm đầu vào, người học thoải mái vào nhưng ra sẽ cực kỳ khó khăn. Còn ở ta, vào ĐH bao nhiêu người thì bấy nhiêu người tốt nghiệp chẳng mấy người bị rớt cả. Thậm chí có trường hợp đầu vào điểm rất thấp nhưng ra lại khá, giỏi. Điều đó khiến xã hội không tin. Các trường ĐH không phải có khả năng siêu phàm để thay đổi chất lượng nhanh đến vậy.
PV: Thực tế ông nói khiến dư luận lo ngại sẽ có tiêu cực khi không còn phân biệt hình thức đào tạo trên văn bằng. Nó có giúp hợp thức hóa bằng cấp của con ông cháu cha, thưa ông?
ĐB Cao Đình Thưởng: Tôi cho rằng câu chuyện này sắp qua rồi. Đúng là có thực tế, những người có vị trí đưa con cháu vào cơ quan Nhà nước sau đó đôn đáo cho đi học tại chức để giữ ghế. Nhưng đến bây giờ, kể cả người học dốt vẫn có bằng đại học chính quy nên nhận định cũng chỉ đúng một phần thôi.
Hiện nay, nhiều con em chúng ta dù có bằng chính quy nhưng vẫn thất nghiệp nhan nhản. Chính vì thế, bộ GD&ĐT đào tạo ồ ạt để làm gì khi các gia đình bỏ ra cả trăm triệu học để có tấm bằng xong lại gác bằng ĐH đi học nghề. Đó là sự lãng phí thời gian, tiền bạc ghê gớm của xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm