Ý tưởng cũ "mại dâm là một nghề" lại vừa được lục lại và đem ra bàn tán tại Hội thảo Quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức ngày 28/3/2018.
Theo tôi, để khỏi sa vào cái vòng luẩn quẩn bàn ra tán vào, càng bàn càng rối, chúng ta cần soi rọi vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Tôi xin nêu quan điểm cá nhân phản đối vấn đề hợp pháp hóa hoạt động mại dâm dựa vào các góc độ đó như sau:
Ở góc độ quyền con người: Phải phân biệt mại dâm và tự do tình dục. Mại dâm có bản chất là người bán dâm vì cần tiền, phải miễn cưỡng quan hệ tình dục với người mua dâm mà chẳng có hứng thú. Giống người bị cưỡng dâm vậy, phải miễn cưỡng vì đang ở trong tình trạng bị khống chế bởi người cưỡng dâm.
Còn tự do tình dục là người ta đến với nhau vì có ham muốn tình dục với nhau.
Như vậy mại dâm là phải được trả tiền mới có quan hệ tình dục, còn tự do tình dục thì vẫn đến với nhau bất kể là sau đó có cho nhau tiền không.
Theo Tuyên ngôn toàn cầu về quyền tình dục tại Hồng Kông năm 1999, tự do tình dục là quyền con người bất khả xâm phạm. Bản chất của hoạt động tình dục là thực hiện quyền hưởng thụ khoái cảm vì nhu cầu tình dục bản thân, chứ không phải để lao động tình dục (mại dâm) phục vụ người khác.
Khi người ta không có ham muốn mà ép buộc thì chẳng khác nào sự hành hạ tra tấn thân thể, cho nên hiếp dâm, cưỡng dâm mới bị coi là tội phạm.
Như vậy mại dâm xâm phạm đến nhân quyền, làm người ta phải đem đánh đổi nhân quyền của mình để có được đồng tiền kiếm sống. Việc này cũng giống như là bắt người ăn xin phải quỳ lạy van xin thì mới cho họ tiền vậy.
Ở góc độ quản lý nhà nước: Có thể người bán dâm đem bán nhân phẩm của mình lấy tiền thì không nuối tiếc nhân phẩm. Việc đó cũng như nhận thức lệch lạc tự làm hại mình của người nghiện ma túy vậy. Bản chất nhân đạo của nhà nước XHCN thì phải ngăn cản hành vi bán danh dự nhân phẩm giống như ngăn cản người nghiện ma túy, dù họ không đề nghị.
Bởi người bán dâm sau này rất khó lập được gia đình hạnh phúc, vì hầu như không ai muốn lấy họ. Nhân đạo là phải hỗ trợ công ăn việc làm để bảo đảm tương lai xây dựng hạnh phúc gia đình của họ, giúp họ khắc phục khó khăn cuộc sống, chứ không phải tạo điều kiện để họ sa chân hơn. Như vậy khác nào cung cấp cho người nghiện ma túy các điều kiện để tiếp tục nghiện, tuy tạo điều kiện theo ý họ, nhưng thực ra làm hại họ.
Cấm mại dâm còn để bảo vệ quyền tình dục của con người. Cần nhớ rằng không bao giờ được coi những quyền bất khả xâm phạm của con người lại có thể đem bán, nên mại dâm bán quyền con người thì không thể được coi là một nghề.
Mặt khác, mại dâm hợp pháp làm đối tượng hiếp dâm ngộ nhận rằng nhà nước đã dễ dãi cho phép mại dâm thì hiếp dâm cũng không còn nghiêm trọng, cùng lắm bị phát hiện thì trả cho nạn nhân vài trăm nghìn coi như mua dâm là xong. Điều này rất nguy hiểm, cho nên lập luận hợp pháp hóa mại dâm sẽ tránh được tội phạm hiếp dâm, là nhầm lẫn.
Ở góc độ văn hóa, tư tưởng: Xưa nay chưa thấy ở đâu lấy mại dâm là một tiêu chí xếp hạng nền văn minh. Có nơi tình dục được coi là một nét văn hóa, nhưng là họ coi trọng sự tự do tình dục, đề cao tình dục là một thứ quyền tự do của con người, điều này lại trái hẳn với mại dâm miễn cưỡng làm tình vì kiếm sống.
Mại dâm không bao giờ là điểm mạnh của một nền văn hóa, trái lại, là thứ gặm nhấm, hủy hoại nền văn hóa, kéo lùi ý thức con người trở về thời kỳ sống bản năng hoang dã. Cho nên "bán trôn nuôi miệng" không thể là mục tiêu văn minh của nền văn hóa nào.
Về mặt tư tưởng, coi mại dâm là một nghề dễ gây tâm lý lệch lạc trong thanh thiếu niên. Nam nữ lười lao động sẽ quay sang bán dâm, sa đà vào mại dâm hơn là lập gia đình.
Mại dâm hướng người ta tới hoạt động tình dục theo bản năng hoang dã ở loài vật, giao phối mà không có tình cảm. Chỉ loài người tiến hóa hơn mới có cả tình cảm. Có nghĩa, mại dâm kéo tư tưởng tình dục con người quay ngược về thời nguyên thủy chứ không hướng đến tầm cao văn minh phía trước, nơi tình cảm con người là giá trị nhân văn ngày càng được đề cao, tình dục được gắn liền với tình cảm giới tính.
Ở góc độ gia đình và trật tự xã hội: Hợp pháp hóa mại dâm thì hoạt động mua bán tình dục càng phổ biến. Các thành viên trong các gia đình đều có thể đi mua bán tình dục gây lối sống hoang dâm vô độ, đạo đức xã hội suy đồi. Khái niệm vợ chồng chung thủy bị vô hiệu. Nề nếp gia đình, tôn ti trật tự xã hội bị phá vỡ khi ông bà bố mẹ mua bán dâm với người tuổi con cháu, có khi còn nhầm phải người nhà mình khi lâu ngày xa cách không nhận ra trong ánh đèn đỏ. Nếu ủng hộ lập khu đèn đỏ thì một ngày nào đó "gậy ông đập lưng ông".
Ở góc độ bình đẳng giới: Nếu trưng cầu ý kiến thì có lẽ đa số nam giới muốn hợp pháp hóa mại dâm, bởi nhanh chóng được phụ nữ đáp ứng nhu cầu tình dục với nhiều lựa chọn giá cả, có khi chỉ 50 - 100 nghìn đồng, bằng vài mớ rau lúc sốt giá. Nếu mại dâm không được phép, nam giới muốn được phụ nữ đáp ứng nhu cầu đó thì phải trải qua quá trình tìm hiểu, tiến tới hôn nhân, sống có trách nhiệm để chinh phục được trái tim phụ nữ. Mà như thế thì tốn kém hơn nhiều.
Thực tế, chính vì có quá trình phải đi chinh phục phụ nữ đó, mà giới nữ mới trở nên có giá trị trong mắt nam giới, nhờ đó mà được nam giới tôn trọng, và trân trọng khi được phụ nữ đáp lại, từ đó mà nam giới thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn, giữ gìn người phụ nữ mình đã phải bỏ công sức ra chinh phục được.
Chế độ XHCN của ta có tính nhân văn khi cấm mại dâm, để bảo vệ giá trị nhân phẩm phụ nữ, bảo vệ được trạng thái bình đẳng khi buộc nam giới phải tôn trọng phụ nữ, chứ không phải chỉ bỏ ra 50 - 100 nghìn là đã được phụ nữ đáp ứng nhu cầu, để mà coi họ rẻ mạt.
Phạm Mạnh Hà