Theo Daily Mail, 28 mảnh sọ và 6 chiếc răng đã được tìm thấy ở một nơi rất sâu trong hang động Rising Star ở Johannesburg, Nam Phi.
Một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi đại học Witwatersrand (Nam Phi) đã ghép những mảnh xương và tái tạo thành công một hộp sọ tí hon của cá thể 4-6 tuổi "có sự kết hợp giữa các đặc điểm của con người nhưng không phải con người hiện đại chúng ta".
Các nhà nghiên cứu đặt tên cho hộp sọ là Leti, theo từ "letimela" có nghĩa là "thứ bị mất" trong tiếng Tswana - một trong 11 ngôn ngữ chính thức của Nam Phi. Hiện họ vẫn chưa rõ hóa thạch này thuộc về một bé trai hay bé gái.
Giáo sư Guy Berger từ đại học Witwatersrand, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết vị trí khai quật hài cốt rất đặc biệt vì không hiểu làm sao đứa trẻ "giống con người" đi vào được nơi rất sâu bên trong hang động.
Nơi phát hiện những mảnh xương là lối đi cực kỳ hẹp, chỉ rộng 15cm, dài 80cm, trên một hốc cao khoảng 80cm so với nền hang động ở đây. Các nhà thám hiểm đã phải chui qua khe nứt, với những đoạn buộc phải nằm sấp, sau đó leo qua một sườn núi. Cũng khá kỳ lạ khi toàn bộ các mảnh xương đều thuộc hộp sọ, không có dấu tích bất kỳ phần nào khác của cơ thể.
Dù vậy những hài cốt cổ đại được tái tạo đã giúp các nhà khoa học lần đầu tiên thực sự hiểu rõ về loài người Homo naledi mà đứa trẻ thuộc về.
Theo The Conversation, trước đó, khoảng 1.500 mảnh hài cốt rời rạc khác thuộc về khoảng 15 cá thể đã được tìm thấy trong khu vực, cho thấy họ có vài đặc điểm như bàn tay, cổ tay, bàn chân... giống người hiện đại Homo sapiens chúng ta hoặc người Neanderthals. Tuy nhiên hộp sọ vừa được phục dựng cho thấy một loài nguyên thủy hơn nhiều với bộ não không lớn hơn một quả cam và thân trên còn mang nhiều đặc điểm của Vượn người Phương Nam sơ khai. Họ có khả năng leo trèo giỏi hơn con người hiện đại rất nhiều, nói đúng hơn là khá giống loài vượn.
Homo naledi được cho là ra đời cách đây khoảng 335.000 năm, tức xấp xỉ niên đại của Homo sapiens chúng ta (khoảng 300.000-350.000 năm trước, theo các nghiên cứu). Tuy nhiên họ chỉ sống song song với chúng ta khoảng 100.000 năm, sau đó tuyệt chủng vào khoảng 236.000 năm trước.
“Homo naledi vẫn là một trong những họ hàng bí ẩn nhất của loài người cổ đại từng được phát hiện. Họ rõ ràng là một loài nguyên thủy, tồn tại vào thời điểm mà trước đây chúng ta nghĩ chỉ có con người hiện đại mới có mặt ở châu Phi", Lee Berger, nhà khoa học đứng đầu dự án, cho hay.
Các nhà nghiên cứu suy đoán, cách đây khoảng 250.000 năm, những thành viên khác của loài Homo naledi có thể đã đặt hộp sọ Leti ở đó theo những lễ nghi liên quan tới người đã khuất, theo nhà nghiên cứu Lee Berger.
Ông đề xuất giả định này để giải thích toàn bộ địa điểm phát hiện Homo naledi là điểm chôn cất theo nghi lễ. Nếu có thêm bằng chứng ủng hộ giả thuyết này, đây sẽ là bước ngoặt về quá trình tiến hóa của loài người.
Tới nay, các nghi lễ liên quan đến người quá cố sớm nhất được biết đến có niên đại cách đây 50.000-100.000 năm. Tuy nhiên, phát hiện mới nhất có thể đẩy bằng chứng về lễ nghi này lùi lại 1/4 triệu năm trước.
Gọi Homo naledi là "loài người ma" bởi các mảnh hài cốt từng được tìm thấy từ họ rất nhỏ và không chứa đựng nhiều thông tin, khó dùng để mô tả đầy đủ về nhân dạng, nhất là khi không có hộp sọ. Vì vậy phát hiện mới là một bước tiến lớn giúp các nhà khoa học thực sự hiểu biết về một "họ hàng" thất lạc của chi Người (Homo). Không có bằng chứng nào cho thấy có sự gặp gỡ, chung sống hay giao phối giữa họ và Homo sapiens- tổ tiên chúng ta.
Phát hiện liên quan tới hộp sọ Leti được công bố trong 2 bài báo trên tạp chí PaleoAnthropology. Nghiên cứu có sự tham gia của 21 nhà khoa học từ đại học Witwatersrand và 13 tổ chức khác trên thế giới.
Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Lao Động)