Sáng 14/3, Hội nghị Hiện thực hóa Kế hoạch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Lương thực Thực phẩm tại Việt Nam (FIH-V) năm 2025 đã được tổ chức với mục tiêu phổ biến thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững, ứng dụng công nghệ cao và canh tác theo hướng giảm phát thải.
Nâng cao thu nhập cho người nông dân
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Giám đốc Ban Thư ký Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với gần 15% GDP quốc gia và là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
"Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến áp lực thị trường, nhưng toàn ngành vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP từ 3,2-4,0% trong năm nay. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng với tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 62,4 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tương đương mức tăng trưởng 18,5% so với năm 2023", ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với ngành nông nghiệp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cho nông dân và phát triển các mô hình sản xuất bền vững.
Trong bối cảnh này, hợp tác công - tư (PPP) được xem là một giải pháp quan trọng, không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản, gia tăng thu nhập cho nông dân mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
"Sau 15 năm hoạt động, PSAV đã khẳng định được vai trò trung tâm trong việc kết nối khu vực công và tư nhân, thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản bền vững. Những thành công của các nhóm công tác PSAV trong các lĩnh vực như Lúa gạo, Cà phê, Hồ tiêu và Gia vị, Hóa chất nông nghiệp, Chăn nuôi, Thủy sản và đặc biệt là Rau quả là minh chứng rõ nét cho sự hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan", Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế chia sẻ.
Một bước tiến quan trọng trong quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm là vào tháng 9/2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành quyết định thành lập Nhóm Đối tác thuộc Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Lương thực, Thực phẩm Việt Nam (FIH-V).
Nhóm này đóng vai trò trung tâm trong việc triển khai các sáng kiến đổi mới, tăng cường hợp tác liên ngành và kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đồng thời kế thừa những thành tựu của PSAV.

Hợp tác công tư đang trở thành động lực quan trọng đưa nông nghiệp phát triển theo hướng xanh và bền vững, vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Tuấn cũng bày tỏ ấn tượng sâu sắc đối với mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ khoai tây bền vững. Ông cho biết: "Mô hình này không chỉ giúp tăng năng suất khoai tây lên gấp 3 lần so với phương thức canh tác truyền thống mà còn nâng cao thu nhập của nông dân lên gần 3 lần".
Theo ông, sự thành công của người nông dân trong mô hình này sẽ giúp họ nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng nông sản chế biến và mở rộng cơ hội xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Đây là một thành tựu đáng tự hào và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đối với sự phát triển bền vững của ngành.
Chủ động nguồn cung, đảm bảo nguyên liệu
Đánh giá cao hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất khoai tây, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: "Trong bối cảnh nông nghiệp toàn cầu đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững không chỉ thúc đẩy nền nông nghiệp xanh mà còn tạo tiền đề quan trọng để mở rộng Đề án FIH-V. Điều này giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến và mang lại giá trị lâu dài cho ngành sản xuất khoai tây tại Việt Nam".
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Hà - Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam cũng bày tỏ cam kết của công ty trong việc không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng cao mà còn đảm bảo nguồn nguyên liệu được sản xuất theo phương thức bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam, việc mở rộng mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững không chỉ giúp PepsiCo chủ động nguồn cung mà còn đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định
Theo ông Hà, việc mở rộng mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững không chỉ giúp PepsiCo chủ động nguồn cung mà còn đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy mới sắp khai trương tại Hà Nam. Đồng thời, mô hình này cũng góp phần xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với chiến lược phát triển xanh của Việt Nam.
Với vai trò quản lý dịch hại và bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Đối ngoại và Phát triển bền vững Công ty Syngenta Việt Nam, chia sẻ rằng trong khuôn khổ mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững, Syngenta Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp tiên tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Đặc biệt, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp giúp giảm số lần phun thuốc xuống còn một nửa so với trước đây, vừa đảm bảo hiệu quả bảo vệ cây trồng vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, việc ứng dụng drone trong phun thuốc giúp nông dân tiết kiệm gấp 10 lần lượng nước so với phương pháp truyền thống, giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.