"Hợp thể" taxi Mai Linh 3 miền: Ba cây chụm lại nên hòn núi cao?

"Hợp thể" taxi Mai Linh 3 miền: Ba cây chụm lại nên hòn núi cao?

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Chủ nhật, 29/10/2017 19:00

Hàng nghìn tài xế nghỉ việc, tài chính ep hẹp, doanh thu sụt giảm, lỗ lũy kế ăn mòn vốn đầu tư... Kế hoạch Một Mai Linh của Chủ tịch Hồ Huy liệu có "cứu" được tập đoàn khỏi "vũng lầy" hiện nay?

Đầu tư - 'Hợp thể' taxi Mai Linh 3 miền: Ba cây chụm lại nên hòn núi cao?

Chủ tịch tập đoàn Mai Linh - ông Hồ Huy. 

Kế hoạch Một Mai Linh

Ngày 25/10, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Group) đã ban hành nghị quyết tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để xin ý kiến thông qua phương án hợp nhất ba pháp nhân gồm: CTCP Mai Linh Miền Bắc (MLN), CTCP Mai Linh Miền Trung (MNC) và CTCP Tập đoàn Mai Linh.

Đây là 3 công ty đầu mối phụ trách hoạt động kinh doanh taxi của hệ thống Mai Linh tại Miền Bắc, Bắc Trung Bộ và Miền Nam. Dưới các công ty này là hàng chục các công ty con kinh doanh tại các tỉnh thành.

CTCP Tập đoàn Mai Linh – công ty nòng cốt của cả hệ thống – đang có 32 chi nhánh và 13 công ty con trực tiếp cùng 39 công ty con gián tiếp (công ty con của các công ty con trực tiếp) với đội ngũ nhân viên gần 24.000 người.

Trong đó, Mai Linh Miền Bắc hiện sở hữu 15 công ty con và Mai Linh Miền Nam sở hữu 10 công ty con.

Trước đó, Chủ tịch tập đoàn Mai Linh - ông Hồ Huy cũng đã không ít lần nhắc tới kế hoạch mang tên "Một Mai Linh" để thống nhất việc quản lý, chất lượng, kiểm soát và tiến tới mời đơn vị tư vấn đánh giá để niêm yết lên sàn chứng khoán nước ngoài.

Đừng chỉ dừng ở tái cấu trúc thượng tầng

Trong năm 2016, tập đoàn Mai Linh đã thực hiện tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự và các chi phí hoạt động để thay đổi hoạt động của toàn hệ thống, xác định lĩnh vực kinh doanh chủ lực là ngành taxi.

Theo đó, nhân sự của Mai Linh thời gian qua đã sụt giảm nghiêm trọng. Tính đến hết quý II/2017, tổng số nhân viên của Mai Linh chỉ còn 24.000 người, giảm 6.000 người - tương đương 20% nhân sự trong vòng nửa năm, so với con số ở cuối năm 2016 là gần 30.000 người.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng khác mà Mai Linh đang phải đối mặt đó là doanh thu và lợi nhuận đang cùng "lao dốc" không phanh, mặc cho mọi nỗ lực tiết giảm chi phí của tập đoàn.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của Mai Linh giảm hơn 5% cùng kỳ, chỉ còn gần 1.722 tỷ đồng.

Doanh thu giảm chưa phải là vấn đề lớn nhất, việc phải gánh gồng hàng loạt chi phí như chi phí vận hành và chi phí quản lý tăng mạnh khiến kết quả hoạt động kinh doanh của Mai Linh báo lỗ thuần gần 48 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 con số này là 25 tỷ đồng.

Tính chung, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn trong nửa đầu năm 2017 chỉ còn gần 29 tỷ đồng, chưa đạt 50% so với cùng kỳ năm trước và còn cách mốc lợi nhuận kế hoạch đã hứa với cổ đông từ đầu năm.

Tính đến hết ngày 30/6, khoản lỗ lũy kế của tập đoàn Mai Linh đã lên tới con số 795 tỷ đồng, "bào mòn" gần hết phần vốn góp của cổ đông (1.016 tỷ đồng). Khoản lỗ này là kết quả tồn đọng thua lỗ ở giai đoạn dài trước đó. Từ năm 2011 tới nay, tình trạng chung của taxi Mai Linh là doanh thu sụt giảm và thua lỗ liên tục.

Nguyên nhân của việc kinh doanh bết bát được Chủ tịch Hồ Huy "mổ xẻ" trong Báo cáo thường niên 2016: "Uber, Grab hoạt động tràn lan, nhất là ở hai thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã gây thiệt hại lớn về doanh thu cho Mai Linh cũng như các hãng taxi truyền thống".

"Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, các công ty taxi khác mới ra đời đã phá điểm, phá giá để tranh giành thị phần cũng gây nhiều khó khăn cho các đơn vị chi nhánh của Mai Linh" - Chủ tịch Hồ Huy cho hay.

Đầu tư - 'Hợp thể' taxi Mai Linh 3 miền: Ba cây chụm lại nên hòn núi cao? (Hình 2).

Liệu Mai Linh có thực sự "lột xác" sau kế hoạch sáp nhập về một mối?

Mặt khác, nhiều nhà đầu tư cho rằng, bộ máy quản lý vận hành cồng kềnh đã tồn tại ở Mai Linh  nhiều năm qua cùng với việc đầu tư dàn trải vào bất động sản và ngành nghề kinh doanh khác cũng là nguyên nhân khiến "ông lớn" ngành taxi lâm vào tình trạng như hiện nay.

Từ cuối năm 2014 đến 2016, Mai Linh đã thành lập các chi nhánh tại khu vực miền Nam và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Theo đó, hoạt động kinh doanh taxi được chuyển từ công ty con tại từng tỉnh thành ở khu vực này sang chi nhánh của Tập đoàn.

Đây được cho là những động thái đầu tiên của ban lãnh đạo tập đoàn trong tiến trình thực hiện kế hoạch "Một Mai Linh" thời gian tới. 

Lựa chọn tái cơ cấu được Mai Linh thực hiện trong bối cảnh đầy khó khăn như hiện nay có thể coi là sự lựa chọn hợp lý để tập đoàn này từng bước đứng dậy sau những "đòn giáng" mạnh mẽ của Uber và Grab lên các hãng taxi truyền thống. 

Tuy vậy, vấn đề đặt ra ngay lúc này đối với Mai Linh nói riêng và các hãng taxi nói chung vẫn là chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng và chiến lược kinh doanh cốt lõi. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.