Vừa qua, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cho phép doanh nghiệp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở, để thực hiện dự án nhà ở thương mại (Dự thảo Nghị quyết thí điểm).
Theo Dự thảo Nghị quyết thí điểm, Chính phủ đề xuất thí điểm không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất) theo phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.
Khu vực đất được dùng để thí điểm dự án nhà ở thương mại phải nằm ngoài danh mục dự án thu hồi đất được Hội đồng nhân dân (HĐND) thông qua. Bên cạnh đó, những dự án được thí điểm mở rộng đối với loại đất xây nhà thương mại phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, đô thị.
Các dự án này cũng phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt, đồng thời được UBND cấp tỉnh chấp thuận về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất. Dự kiến việc thí điểm sẽ thực hiện trong quá trình 5 năm và bắt đầu từ thời điểm 1/1/2025.
Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết thí điểm trên, ngày 15/10, Văn phòng Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi cơ quan chức năng, để phân tích đánh giá thêm về lợi thế của Dự thảo Nghị quyết thí điểm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết; Dự thảo Nghị quyết thí điểm được các doanh nghiệp trong lĩnh vực rất kỳ vọng sẽ được Quốc hội Khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024).
Dự thảo Nghị quyết thí điểm sẽ tháo gỡ được vướng mắc do quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024 chưa cho phép nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Chủ tịch HoREA cũng nhận định, Dự thảo Nghị quyết thí điểm nếu được Quốc Hội đồng ý thông qua là "bước ngoặt lớn" đối với quá trình phát triển nhà ở tại nhiều địa phương.
"Dự thảo Nghị quyết thí điểm sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được tiếp cận đất đai thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện "thuận mua vừa bán" giữa người dân và doanh nghiệp.
Điều này cũng sẽ giúp các bên không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, bên cạnh các phương thức tiếp cận đất đai thông qua thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở thương mại để góp phần kéo giảm giá nhà", ông Châu cho hay.
Thời gian qua, HoREA là một trong những cơ quan góp ý, đóng góp cho Dự thảo Nghị quyết để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, có thị trường bất động sản nhà ở thương mại để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở thương mại, nhất là nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và để khắc phục "khoảng trống" do điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024 chưa quy định nội dung này.