Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vừa thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR đang lưu hành của Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn từ ngày 21/8.
Trước đó, HĐQT Lọc hoá dầu Bình Sơn thông báo triển khai công việc chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký cổ đông với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC); đồng thời chuẩn bị nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục có liên quan để niêm yết cổ phiếu trong năm 2024.
Thực tế, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã rục rịch chuyển sàn HoSE từ các năm trước nhưng chưa thể do mới đáp ứng đủ 8/9 tiêu chígồm: Vốn điều lệ; Được ĐHĐCĐ chấp thuận thông qua; Thời gian niêm yết trên sàn UPCoM tối thiểu 2 năm; Kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi và ROE năm gần nhất trên 5%; Có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông (không phải cổ đông lớn) nắm giữ; Cam kết của cổ đông nội bộ về nắm giữ cổ phiếu; Không bị xử lý vi phạm trong thời gian 2 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký niêm yết
Duy nhất 1 tiêu chí mà công ty chưa đáp ứng được đó là về các khoản nợ quá hạn, liên quan đến công ty con là CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF).
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính bán niên được soát xét quý II/2024, ngày 27/5/2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF.
Vì vậy trên báo cáo tài chính quý II/2024 BSR Lọc hoá dầu Bình Sơn chỉnh khoản đầu tư vào BSR-BF từ khoản đầu tư vào công ty con thành khoản đầu tư góp vốn đơn vị khác.
Tại báo cáo soát xét bán niên vừa công bố, kiểm toán chỉ ra 2 vấn đề cần nhấn mạnh. Trong đó, BSR đã chấm dứt quyền kiểm soát của công ty tại BSR-BF và BSR-BF chấm dứt hợp nhất báo cáo tài chính hợp nhất từ ngày 27/5.
Lọc hoá dầu Bình Sơn là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Doanh nghiệp đã tổ chức IPO thành công vào tháng 1/2018 và cổ phiếu BSR được đưa vào giao dịch tại sàn UPCoM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từ tháng 3/2018.
Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận 55.118 tỷ đồng doanh thu giảm 19%; lợi nhuận sau thuế 1.884 tỷ đồng giảm 36% so với cùng kỳ.
Theo giải trình từ phía Lọc hoá dầu Bình Sơn, lợi nhuận công ty giảm là do trong tháng 3, tháng 4, nhà máy tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 nên sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II, giá dầu thô và sản phẩm biến động phức tạp, giá dầu thô (Dated Brent) giảm từ 90,15 USD/thùng trung bình tháng 4 xuống còn 82,61 USD/thùng trong tháng 6. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giá dầu thô và giá sản phẩm cũng giảm so với cùng kỳ.
Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), BSR được dự báo sẽ tăng sản lượng trong 6 tháng cuối năm để bù đắp cho lượng sản phẩm đã bị hao hụt trong thời gian bảo dưỡng tổng thể nhà máy, vì thế doanh thu nửa cuối năm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh so với 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, BSR đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng nhằm cân đối nguồn vốn cho dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Phương án tăng vốn đang được báo cáo với cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cấp có thẩm quyền.
Song, BSR cũng đang tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Công Thương và Ban Kinh tế Trung ương hoàn thiện đề cương Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất với mục tiêu hoàn thành đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong năm 2024. Theo đề án, NMLD Dung Quất sẽ là hạt nhân của Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất.