Giờ G sắp điểm, rất nhiều sĩ tử đang cảm thấy căng thẳng, lo lắng cho kỳ "vượt vũ môn" quyết định sống còn. Đặc biệt trong tiết trời nóng nực như thế này càng làm không khí trở nên căng thẳng và ngột ngạt. Vậy các thủ khoa đã xả stress trước khi vào phòng thi như thế nào? Kiêng ăn, chơi gì để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới? Hãy cùng nghe chia sẻ của họ:
Hà Lade – thủ khoa khoa Đạo diễn sự kiện – ĐH Văn hóa năm 2012
Trước khi kì thi đến, Hà vẫn luôn ôn kĩ bài vở để có được sự tự tin khi đi thi. Hà có mẹ là giáo viên, nên mẹ luôn nhắc nhở mình giữ kiến thức vững vàng, và tâm lý thoải mái trước kì thi. Bởi vậy, mẹ đã nhắc Hà nghỉ ngơi 1 ngày, ra ngoài cho “thoáng khí”, nhưng mẹ luôn đi cùng để chắc chắn rằng không có tai nạn, sự cố nào bất chợt. Ngoài ra, mình còn thi thuyết trình và hát, nên Hà không uống nước đá, không tụ tập “chém gió” bạn bè để giữ giọng.
Ca sĩ Trần Hoàng The Voice – thủ khoa ĐH Ngoại thương TP HCM
Rất đơn giản, chàng ca sỹ Trần Hoàng của The Voice chia sẻ: "Trong 1 tuần trước khi thi, mình chỉ ôn bài một buổi sáng, từ chiều đến tối mình đều ôm đàn hát vang nhà! Anh từ Quảng Trị ra TP HCM trước 2 ngày, và 2 ngày đó anh dành để khám phá mảnh đất Sài thành hoa lệ.
Tất nhiên mình đã bị bố nhắc nhở, nhưng đó là cách tốt nhất để anh giải tỏa căng thẳng, có thêm tự tin trước khi kì thi đến. Đó cũng là bí quyết của anh trước khi tham gia cuộc thi The Voice. Mình khuyên các bạn sĩ tử năm nay hãy cố gắng giữ bình tĩnh, tự tin và giữ sức khỏe để “vượt vũ môn” tốt nhất. Ngoài ra thì đừng ai để xảy ra những sự cố đáng tiếc như quên thẻ, đến thi muộn vì tắc đường, hay cầm theo điện thoại di động... nhé!"
Phạm Minh Hiếu – thủ khoa khối D ĐH Bách Khoa năm 2011
Mình không có bí quyết gì đặc biệt cả, chỉ là nghỉ ngơi điều độ, ăn những món ăn yêu thích để xả stress. Theo mình, các bạn thí sinh ko nên mê tin mà kiêng ăn những món như chuối, trứng... rất ko tốt vì đã vô tình loại bỏ những món ăn bổ dưỡng, lại thêm phần tâm lý mê tín đè nặng.
Ngoài ra, các bạn nên chuẩn bị tốt đồ dùng như bút bi, thước kẻ, compa, thước đo độ, máy tính... và quan trọng nhất là thẻ dự thi. Những thứ đó tuy nhỏ, nhưng rất quan trọng đối với từng thí sinh, nhất là lúc nước sôi lửa bỏng không thể mượn hay đi mua vội được.
Chử Bích Phương – thủ khoa kép khối A, B trường ĐH Nông nghiệp năm 2011
Hiện nay, Phương đã du học Nhật Bản tại trường ĐH Nông nghiệp Tokyo, song khi mùa thi đến, cô bạn vẫn không thể quên được cảm giác của một sĩ tử “tái đấu” khi còn ở Việt Nam.
Cô bạn chia sẻ: "Mình đã 2 lần trải qua cảm giác của một sĩ tử đi thi đại học, nên mình hiểu rõ những hồi hộp, lo lắng mà phần đông các thí sinh gặp phải. Tuy nhiên, mình nghĩ các bạn nên dành ra khoảng 2 ngày để nghỉ ngơi, xả stress bằng cách chơi thể thao, nghe những bản nhạc yêu thích, ăn cơm và chia sẻ cùng gia đình, bạn bè.
Khi ấy, kiến thức đã học sẽ được “lắng” lại trong đầu, và chắc chắn không bị “trôi” mất do bạn ôn thi quá căng thẳng, khi đi thi bạn cũng đỡ bị mất bình tĩnh. Trong ngày thi, các bạn nên dậy sớm để đủ thời gian chuẩn bị, tránh tắc đường, tránh nắng nóng, và nên uống đủ nước để giữ sức khỏe. Tuy nhiên, có những môn thi kéo dài 3 tiếng, vì vậy các bạn nên uống nước vừa phải để tránh gặp “sự cố” khi đang làm bài nhé!"
Chử Phương Linh – thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương năm 2010
Học chuyên Hóa nhưng Chử Phương Linh khiến nhiều người phải nể phục khi "ẵm" ngôi thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương với 28 điểm, trong đó, điểm 3 môn thi khá "đẹp” và đều: Toán 9,25; Văn 9,25 và Anh 9,25. Đỗ thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương nhưng do giành được học bổng nên hiện tại, cô cựu học sinh lớp 12 chuyên Hóa Trường THPT chuyên thuộc ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã sang du học tại trường Trường Lee Kong Chian School of Business, Singapore Management University (SMU).
Khi được hỏi về kinh nghiệm xả hơi trước kì thi, Linh thật thà: "Dù học chuyên Hóa nhưng mình rất thích học văn, nên mỗi ngày mình đều nghe lại những bài giảng, những lời khuyên rất giản dị và chân tình của thầy. Bên cạnh đó, cũng như các bạn khác, mình cho phép bản thân nghỉ xả hơi 2 ngày trước khi thi, nghe nhạc bằng tiếng Anh để từng từ vựng, ngữ pháp vẫn có thể “ngấm” dần vào tâm, và mình luôn nghe kĩ những lời dặn của các thầy cô khi đi làm thủ tục".
Hồng Minh