Tiêm filler là một cách làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện nay ưa chuộng do hiệu quả nhanh và dễ thực hiện. Filler (hay chất làm đầy) có chứa acid hyaluronic (HA) được nhắc đến nhiều nhất do tính hiệu quả với độ an toàn cao, tương thích với cơ thể. Khi tiêm vào các nếp nhăn sẽ khiến làn da nhanh chóng trở nên căng bóng, hoặc tạo hình khối thẩm mỹ ưng ý trên gương mặt mà không cần sử dụng đến dao kéo.
Thế nhưng, với Zhao, đây là một cái kết không thể tệ hại hơn.
Cô Zhao sống tại Hàng Châu, Chiết Giang cho biết vào ngày 12/9 vừa qua, cô tới một bệnh viện thẩm mỹ ở địa phương để tiêm chất làm đầy xoá mờ các nếp nhăn ở vùng mắt và khoé miệng. Đây cũng là cơ sở cô từng tiêm filler nhiều lần trước đây.
Một tuần sau, khi tỉnh dậy cô hoảng hốt phát hiện mặt bên trái bị méo xệch, lông mày cũng co lại. Thậm chí cô Zhao không thể khép chặt miệng hay nhắm chặt mắt trái.
Ngày 8/10, cô Zhao không hề thấy tình trạng của mình cải thiện, thậm chí ngay cả khi ăn uống, cô Zhao cũng bị rơi vãi thức ăn, nên tạm thời cô chỉ uống hoặc ăn thức ăn lỏng bằng ống hút.
Khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán cô mắc chứng liệt dây thần kinh mặt, thường gọi là liệt mặt. Thật không may, bác sĩ không thể biết chính xác khi nào khuôn mặt Zhao có thể trở về bình thường. Quá trình hồi phục có thể mất hàng tháng, hàng năm hoặc cũng có thể liệt vĩnh viễn như hiện tại.
Trả lời truyền thông, Zhao cho biết, trong các lần đến thẩm mỹ viện nói trên để tiêm filler, cô thường được bác sĩ quen tiêm. Tuy nhiên trong lần mới nhất, có thêm một bác sĩ cô chưa từng gặp. Cô nghi ngờ, kĩ thuật tiêm của người này không chuẩn là nguyên nhân khiến mặt cô bị liệt.
Cô Zhao đã làm đơn tố cáo cơ sở thẩm mỹ.
Đại diện thẩm mỹ viện cho rằng trong kết luận của bác sĩ không đề cập nguyên nhân liệt mặt do chất làm đầy, vì vậy họ sẽ không bồi thường cho cô Zhao.
Vụ việc hiện đang được toà án thụ lý và sẽ đưa ra xét xử trong tháng 10.
Hiện nay có một số sản phẩm tiêm filler đã được cấp phép đảm bảo tính hiệu quả và an toàn tuy nhiên có rất nhiều sản phẩm không biết rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, nhất là tại các cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép.
Dù được quảng cáo là phương pháp làm đẹp đơn giản, không xâm lấn, không đau nhưng nếu không được các bác sĩ có uy tín thực hiện, thủ thuật này có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm.
Các biến chứng hay gặp nhất khi tiêm filler là nhiễm trùng, vón cục, hoại tử, thuyên thắc phổi, mạch, mù mắt do tiêm không đúng kỹ thuật, tiêm trúng vào mạch máu...
Các chị em có mong muốn làm đẹp bằng tiêm filler nếu muốn an toàn cần phải tìm đến cơ sở có uy tín. Đặc biệt, người tiêm phải là bác sĩ có chuyên môn về tạo hình thẩm mỹ da liễu và có chứng chỉ hành nghề. Ngay sau tiêm nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường cần đến bác sĩ để khám và xử lý kịp thời.
Trang Dung (Tổng hợp)