Có thể thấy, mục đích của việc chặt hạ cây chết khô của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Hiệp Bắc là vô cùng tốt đẹp và hoàn toàn hợp lí. Không những việc sản xuất nông nghiệp của HTX được nâng cao (gỗ cây phi lao được xẻ thành ván làm cống cản nước thủy lợi) mà chính cánh rừng phòng hộ đó cũng được “cải thiện” phần nào khi có không gian để gieo trồng những “lá chắn phòng hộ” mới.
Mục đích tốt cùng sự nhiệt tình đã khiến cho công việc được triển khai một cách mau lẹ. Thay vì trình văn bản cũng như đợi chỉ đạo từ cấp trên theo đúng quy trình, HTX này đã nhanh chóng hoàn thành vượt chỉ tiêu công việc đã đưa ra chỉ sau thỏa thuận bằng… miệng với UBND xã Hiệp Hòa Bắc một cách xuất sắc.
Nói là vượt chỉ tiêu bởi ngoài những cây phi lao đã chết khô, HTX còn “tiện tay” tận thu được 30 cây phi lao còn sống. Bất ngờ hơn, số phi lao còn sống lại nhiều gấp 6 lần số phi lao đã chết.
Có lẽ do cơ sở hạ tầng, vật chất phát triển mạnh, sự bê tông hóa dày đặc đã khiến con người ngày càng xa rời thiên nhiên nên kiến thức sinh học cơ bản của nhiều người cũng bị thui chột phần nào.
Hết Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận không thể phân biệt được đâu là cành hoa anh đào đã gãy hay không, nay lại đến HTX xã Hiệp Hòa Bắc không tìm ra sự khác biệt giữa cây phi lao còn sống và cây đã chết khô. Có lẽ đưa những người này đến lễ hội hoa hồng Bulgaria họ cũng không than vãn mà đẩy họ đến lễ hội hoa anh đào ở tượng đài Lý Thái Tổ họ cũng không trầm trồ. Bởi với họ, hoa giả, hoa thật, cây chết, cây sống cũng có khác biệt gì đâu.
Tuy nhiên, sự việc trên cũng không có gì nghiêm trọng bởi theo nhận định của lãnh đạo xã thì đó cũng chỉ là “việc nhỏ” nên không báo cáo với lãnh đạo huyện.
Quả thật, việc “tận thu cây chết, tiện tay chặt luôn cả cây sống” cũng chưa gây ra hậu quả gì nghiêm trọng bởi thời điểm này không phải mùa mưa bão để chúng ta có thể cảm nhận được hậu quả của việc “chặt nhầm”.
Không rõ với độ che phủ rừng khá thưa, lại cộng thêm việc “tận thu” tại cánh rừng đó, liệu đến mùa mưa bão hay mùa khô hạn, nó còn đủ sức gánh vác, làm tấm lá chắn gió, tấm màng giữ nước ngầm cho người dân xã Hiệp Hòa Bắc hay không?
Phải chăng lãnh đạo xã đợi đến khi có thiệt hại rồi mới coi đó là việc làm nghiêm trọng và báo cáo lên cấp trên?
Nhưng dù sao, sự việc này cũng giúp chúng ta bớt đi một chút hoài nghi về câu nói: “Ngu dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại”.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả