Theo Bnews, Huawei đã tìm cách củng cố vị thế ở châu Phi, nơi vị trí của họ đã được thiết lập chắc chắn và tuần trước Huawei đã ký một thỏa thuận để tăng cường hợp tác với Liên minh châu Phi (AU).
Ruben Nizard, nhà kinh tế và là chuyên gia về khu vực Nam Sahara thuộc công ty dịch vụ tài chính Coface của Pháp nhận định: "Đây là một cách để chứng tỏ rằng Huawei vẫn còn hiện diện ở châu Phi và rằng họ muốn duy trì vị thế hãng lớn bằng cách tự khẳng định vị trí trong lĩnh vực phát triển rất quan trọng này".
"Châu Phi là một thị trường mà Huawei đã nhận diện và đã chinh phục được nhờ một chiến lược rất năng động dựa trên số vốn tài trợ ít và tốc độ triển khai kế hoạch", theo Aly-Khan Satchu, nhà phân tích kinh tế độc lập có trụ sở tại Nairobi.
Kể từ khi ra mắt tại Kenya hồi năm 1998, Huawei đã có mặt trên khắp châu Phi và hiện đang hoạt động tại 40 quốc gia, cung cấp mạng 4G cho hơn một nửa "lục địa Đen".
Theo báo Dân Trí, Huawei cho biết đã đạt được thỏa thuận để phát triển công nghệ mạng 5G cho MTS, nhà mạng lớp nhất tại Nga. Thỏa thuận này đạt được sau chuyến thăm 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thủ đô Moscow của Nga.
“Thỏa thuận này sẽ chứng kiến sự phát triển của công nghệ mạng 5G và ra mắt thí điểm của công nghệ mạng thứ 5 này vào năm 2019 và 2020”, đại diện nhà mạng MTS cho biết về thỏa thuận đạt được với Huawei.
Thỏa thuận này cũng cho thấy mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nga và Trung Quốc, cũng như động thái “tìm kiếm đồng minh” của Huawei trong bối cảnh hãng công nghệ Trung Quốc này đang bị Mỹ và các nước phương Tây cô lập, áp dụng nhiều lệnh trừng phạt vì những lo ngại sản phẩm và thiết bị của Huawei có thể bị lợi dụng cho mục đích gián điệp và thu thập thông tin.
Huawei đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen”, cấm các công ty tại Mỹ thực hiện các giao dịch và bán sản phẩm cho Huawei mà không được phép của chính phủ Mỹ. Chính quyền tổng thống Donald Trump cũng đã gây áp lực buộc nhiều hãng công nghệ tại Mỹ như Qualcomm, Microsoft, Intel... phải ngừng hợp tác, đẩy Huawei vào tình cảnh cực kỳ khó khăn do thiếu đi các linh kiện, bản quyền phần mềm... do các công ty của Mỹ cung cấp.
Đào Vũ (Tổng hợp)