Khoản nợ khổng lồ
Tập đoàn Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) vừa đề xuất Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính có phương án ứng vốn trả nợ vay nước ngoài cho dự án nhà máy Xi măng Sông Thao. Việc ứng vốn trả nợ nhằm giúp HUD vượt qua khó khăn, đồng thời bảo đảm uy tín trong thanh toán nợ theo hợp đồng vay vốn với nước ngoài.
Được biết, HUD là cổ đông góp 80% vốn vào công ty cổ phần Xi măng Sông Thao (có vốn điều lệ gần 640 tỷ đồng). Công ty này đi vào sản xuất từ 1/3/2010, nhưng sau 3 năm hoạt động, do không thể hoạt động hết công suất thiết kế, chi phí đầu vào tăng cao, giá bán xi măng giảm khoảng 25% nên đã lỗ hơn 306 tỷ đồng. Đến cuối năm 2012, doanh nghiệp này nợ trong nước tổng cộng hơn 641 tỷ đồng và mới trả được hơn 189 tỷ đồng.
Cùng với đó, dự án cũng nợ nước ngoài tại ngân hàng BNP Paribas (Pháp) 24,5 triệu USD và mới trả được khoảng 17 triệu USD trong số này. Năm 2013, do tình hình tài chính của Tổng công ty ngày càng khó khăn, hàng hóa tồn kho lớn, tổng số vốn vay tồn đọng tại các dự án khoảng 4.500 tỷ đồng nên doanh nghiệp cho biết, khó có khả năng tiếp tục ứng vốn. Ngoài ra, 2 cổ đông còn lại trong dự án Tổng công ty Lilama và công ty cổ phần Xi măng Phú Thọ cũng không có khả năng trả nợ.
Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét ứng vốn từ quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ thay cho tổng công ty này, với số tiền gốc và lãi khoảng 5,4 triệu USD. Theo đó, Bộ sẽ yêu cầu HUD chỉ đạo công ty cổ phần Xi măng Sông Thao có biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh nhằm thu xếp nguồn vốn để hoàn trả quỹ Tích lũy trong năm 2015, 2016.
Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao sau 3 năm hoạt động đã thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu khoản nợ hàng triệu USD của một trong những doanh nghiệp lớn của khối doanh nghiệp Nhà nước được đáp ứng thì liệu có tạo ra tiền lệ để những đơn vị khác xếp hàng xin ngân sách Nhà nước bù lỗ. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng kinh doanh trên thị trường nhưng nhiều doanh nghiệp Nhà nước hễ cứ lãi thì hưởng, lỗ thì Nhà nước phải chịu là không hợp lý nó sẽ làm nợ công thêm gánh nặng.
“Đã làm ăn thua lỗ thì phải phá sản!”
Trao đổi với PV, Th.S. Bùi Ngọc Sơn, phòng Nghiên cứu Kinh tế quốc tế, viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng: Đây là một việc làm không hợp lý. Nếu không thể cáng đáng nổi thì nên tuân theo nguyên tắc thị trường, giải thể công ty xi măng đó. Còn đương nhiên nếu Bộ Tài chính và Chính phủ dang tay cứu một thì sẽ dẫn đến những phản ứng dây chuyền, nhiều doanh nghiệp khác cũng muốn được cứu như thế. Theo tôi, đã làm ăn thua lỗ thì phải phá sản, nếu không phá sản, họ lại dựa vào cái “ô” ngân sách "mềm" của Nhà nước, tạo áp lực cho ngân sách. Phá sản đôi khi không phải là vấn đề gì tồi tệ.
"Trong nhiều trường hợp, phá sản lại là một điều tốt, bởi nó loại được những đơn vị làm ăn không có năng lực, những tế bào yếu kém để tài nguyên di chuyển vào những tài năng tốt hơn, họ phát triển và giúp sức cho nền kinh tế. Còn nếu cứ cố gắng bám trụ vào Nhà nước để xin ứng ngân sách thì lại làm ảnh hưởng đến những đơn vị khác. Những đơn vị đáng ra được giúp đỡ thì lại phải chịu thiệt thòi", ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả nêu quan điểm: Những đơn vị hoạt động đúng chức năng mà thua lỗ thì Nhà nước bảo lãnh, hỗ trợ là đúng rồi. Nhưng tôi được biết, HUD là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Với cách tính nợ công của nước ta hiện nay, lẽ ra HUD phải tự chịu trách nhiệm với khoản vay nợ của mình. Bản thân HUD đầu tư ngoài ngành, không đúng chức năng, hoạt động thua lỗ mà lại xin ứng tiền để trả nợ khiến nhiều người cảm thấy không thuyết phục. Phải chăng đằng sau đó còn có sự bất cập nào?
Nhìn nhận vấn đề trong mối quan hệ với quỹ nợ công, vị chuyên gia này đánh giá: "Điều đáng lo ngại là, việc làm này có thể sẽ tạo ra tiền lệ khiến những đơn vị khác cũng ào ạt xin bảo lãnh. Thế nên, tôi nghĩ không nên tạo ra những tiền lệ như thế. Hiện tại có quá nhiều công ty xi măng rồi, HUD lại không có chức năng kinh doanh trong lĩnh vực này, tại sao lại vẫn tiếp tục được thực hiện dự án? Từ đây cũng là bài học để rút ra rằng, khi ta xem xét bảo lãnh một dự án nào cần đánh giá tính khả thi của nó, mục đích sử dụng, có phục vụ quốc kế dân sinh hay không. Đồng thời, dự án đó phải đúng chức năng của đơn vị, nghiêm cấm tình trạng đầu tư ngoài ngành. Nếu tiếp diễn những tình trạng tương tự thì dư luận sẽ không khỏi hoài nghi phải chăng phía sau còn tồn tại một nhóm lợi ích nào đó?!".
Cũng theo vị chuyên gia này, việc lấy quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ giúp như thế sẽ ảnh hưởng nguyên tắc, quản lý nợ công. Và đây là một điểm cần xem xét cẩn trọng.
“Điểm kẹt” của nền kinh tế Nhìn rộng ra vấn đề, Th.S. Bùi Ngọc Sơn phân tích: Chẳng cứ gì HUD nhiều "ông lớn" nữa cũng rơi vào tình trạng đó. Đấy là một trong những điểm tạo ra thế kẹt lớn nhất trong nền kinh tế quốc gia hiện nay. Làm ăn không hiệu quả thì lại tạo áp lực cho ngân sách Nhà nước. Nguồn lực dồn vào doanh nghiệp Nhà nước khá lớn nhưng hiệu quả hoạt động của nhiều đơn vị rất kém. Chúng ta không thể giảm áp lực cho nền kinh tế, càng không thể cạnh tranh với các quốc gia khác nếu đầu tư vào những đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Gom những đơn vị như thế thành tập đoàn và tiếp tục đầu tư thì chỉ tăng sự mất hiệu quả, thua lỗ càng ngày càng lớn mà thôi. Nếu cứ tiếp tục như thế thì khi nào mới cải thiện được tình hình kinh tế? |
Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Phạm Hạnh