Những ngày gần đây, tuyến đường đi bộ lát gỗ lim ven bờ Nam sông Hương ở TP.Huế chính thức được triển khai xây dựng. Hiện, đơn vị thi công đã huy động phương tiện đóng hàng loạt cọc bê tông xuống sông Hương và tiến hành đổ dầm.
Tuyến đường đi bộ này, sẽ được xây dựng với chiều dài 380m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng. Để làm tuyến đường này, lực lượng thi công đóng cọc bê tông xuống sông Hương, sau đó đổ dầm bê tông, phía trên được lát sàn bằng gỗ lim rộng 4m, có hệ thống lan can bảo vệ, báo Dân Việt đưa tin.
Báo Vnexpress thông tin, theo dự toán từng được công bố, công trình có tổng kinh phí đầu tư 64 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 53 tỷ đồng, còn lại là kinh phí dự phòng. Việc thi công sàn gỗ sẽ tốn khoảng 3.518m2 gỗ lim. Với đơn giá 12 triệu đồng/m2, tổng kinh phí cho riêng việc lát sàn gỗ là hơn 42 tỷ đồng. Được biết, số gỗ lim trên được nhập khẩu hợp pháp từ Nam Phi .
Từ lúc còn là chủ trương cho đến khi được triển khai trên thực tế, tuyến đường đi bộ lát gỗ lim này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tính bền vững. Họ cho rằng, trong điều kiện thời tiết ở Huế, việc lát gỗ lim cho tuyến đường này sẽ nhanh hỏng và gây lãng phí rất lớn.
Trao đổi với báo VOV.VN, kiến trúc sư Chương Hoàng Phương, Trưởng bộ môn Thiết kế - kiến trúc và kỹ thuật, khoa Kiến trúc, đại học Khoa học Huế cho rằng, Huế là địa phương thường xuyên có lũ lụt, việc sử dụng gỗ làm công trình ngoài trời thì cần tính toán đến tuổi thọ và có phương án về kinh phí duy tu, bảo dưỡng.
Trả lời báo chí, nghệ nhân làm nhà rường nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thái Vĩnh cho rằng, việc lát gỗ lim cho tuyến đường này, sẽ nhanh hỏng và gây lãng phí rất lớn. Để công trình không bị hư hỏng nhanh thì mặt đường nên lát đá giả gỗ. Vật liệu này, hiện được sử dụng rất nhiều, nó rất giống lát gỗ thật và có độ bền cao, chi phí rẻ và dễ vệ sinh.
Liên quan đến vụ đường lát gỗ lim, PV báo Dân Việt đã trao đổi với ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Ông Dung cho biết, trước đây UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã giao UBND TP.Huế trưng cầu ý dân về tuyến đường đi bộ này. Theo báo cáo của lãnh đạo chính quyền TP.Huế thì có đến 75% số ý kiến đồng tình với việc làm con đường lát gỗ lim như đang được thi công.
Về những ý kiến cho rằng việc lát gỗ lim thì sẽ nhanh hỏng và nên lát đường bằng đá, ông Dung nói chính quyền tôn trọng những ý kiến này. “Nhưng mà khi đại đa số các ý kiến đều đồng ý rồi thì liệu chúng ta có nên băn khoăn những cái đó (các ý kiến trái chiều- PV) nữa không. Trách nhiệm của chúng ta như thế nào trong vấn đề phát triển kinh tế, xã hội”- ông Dung nói.
Theo ông Dung, bộ phận kỹ thuật đã chứng minh được việc lát đường bằng gỗ lim bảo đảm chất lượng, tuổi thọ.
Ngày 2/3, Ban Quản lý dự án KOICA, TP.Huế đã trả lời báo chí về việc một số thông tin lo ngại việc sử dụng gỗ lim làm mặt đường phố đi bộ thuộc dự án thí điểm Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường bộ phía Nam sông Hương. Đây là thí điểm của dự án Quy hoạch chi tiết 2 bên bờ sông Hương. Dự án thí điểm do KOICA (Hàn Quốc) tài trợ.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án KOICA giải thích rằng gỗ lim là một trong bốn loại nằm trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu) với ưu điểm nổi bật là rất cứng, chắc, bền vững theo thời gian đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Theo ông Bằng, sử dụng gỗ lim sẽ tạo nét mỹ quan về lâu dài và tạo nét đặc trưng và truyền thống của Huế.
Ông Bằng khẳng định số gỗ lim này, có quota nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.
Hà Giang (t/h)