Mùa thu hoạch lúa của bà con nông dân ở Thừa Thiên-Huế lại chuẩn bị đến. Tuy nhiên, những ngày sau mùa thu hoạch, tình trạng nhiều bà con đốt rơm rạ vẫn thường xuyên xảy ra. Khói đốt đồng lâu nay đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân sống ở khu vực ngoại ô thành phố Huế.
Để giải quyết ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông do việc đốt rơm rạ, hôm nay, ngày 25/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát đi công văn số 3937/UBND-NN nhằm hạn chế tình trạng này.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP.Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại đốt rơm rạ trên đồng ruộng để người dân biết và tự giác chấp hành. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập đường dây nóng và triển khai ứng dụng Hue-S để tiếp nhận phản ánh của các cá nhân, tổ chức đốt rơm rạ trên đồng ruộng để kịp thời có biện pháp xử lý. Chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên đồng ruộng, trên đường giao thông, gây cản trở và làm mất an toàn giao thông theo thẩm quyền.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương trên cơ sở thông tin tiếp nhận phản ánh về việc đốt rơm rạ, tiến hành xử phạt theo Điều 41, Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo đúng thẩm quyền và quy định.
Đồng thời, giao sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương hỗ trợ việc áp dụng cơ giới hóa (máy cuộn rơm,…) trong thu gom vận chuyển rơm, rạ. Khuyến cáo nông dân ứng dụng các chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Công văn nêu rõ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP.Huế chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc để người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Lê Kông