Sau khi Chavez qua đời vì bệnh ung thư hôm qua, báo The New York Times điểm lại 10 dấu ấn tính cách đáng nhớ nhất trong thời gian lãnh đạo đất nước Venezuela của chính trị gia xuất chúng này.
Lần xuất hiện đầu tiên của Hugo Chavez trước công chúng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hồi tháng 6/2011. Ảnh: EPA |
Lãnh đạo cuộc đảo chính năm 1992
Hugo Chavez, thời còn là một trung tá quân đội, từng lãnh đạo một cuộc đảo chính nhằm chống lại chính phủ Venezuela. Đáng tiếc, âm mưu này sau đó đã thất bại, còn bản thân ông thì bị tống giam. Sau khi bị bắt, Chavez có xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố, lực lượng nổi dậy do ông dẫn đầu nên rút lui.
"Các đồng chí, thật đáng tiếc vì hiện tại, các mục tiêu mà chúng ta từng đặt ra đã không thể được hoàn thành tại thủ đô", ông nói từ dinh tổng thống ngày 4/2/1992.
"Tại đây, Caracas này, chúng ta không có đủ khả năng để giành được chính quyền. Các bạn đã làm rất tốt, nhưng đã tới lúc chấm dứt sự đổ máu. Đây là thời điểm để chúng ta cũng nhìn lại. Những tình huống mới sẽ xuất hiện, còn đất nước này phải được thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn."
Mở tiệc sinh nhật với 'vị cha già của Cuba'
Tổng thống Chavez và chủ tịch Fidel Castro, lãnh tụ của đất nước Cuba, thường xuyên tham dự sinh nhật của nhau, nhằm thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Vào ngày sinh nhật lần thứ 75 của Castro năm 2001, Chavez đã mời người đồng minh Cuba tới Venezuela tham dự bữa tiệc Champagne. Tại đó, ông đã hát bài Chúc mừng Sinh nhật cùng với dàn đồng ca và trao cho "cha" mình, như cái cách ông thường xuyên gọi Castro, khẩu súng trường đầu tiên Chavez được nhận với tư cách thiếu sinh quân đội.
Sau đó, đôi bạn thân cùng đi thuyền tham quan một khu bảo tồn sinh thái của Venezuela. Chuyến đi này, theo lời ông Chavez, "đã cho chúng tôi cơ hội được giúp Fidel hiểu rằng chúng tôi yêu ông ấy nhiều như thế nào".
Castro cảm động cho biết: "Trong suốt quãng đời này, tôi chưa bao giờ được nhận sự đối đãi nào như thế".
Tổng thống Chavez là một người hâm mộ Twitter, và ông chưa bao giờ quên sử dụng nó để thể hiện tình yêu và sự kính trọngđối với chủ tịch Castro. Hôm 14/8/2012, ông từng đăng một dòng tweet lên trang mạng xã hội này với nội dung: "Năng lượng và sự sáng suốt của ông thật ấn tượng! Ông là một ví dụ cho ý chí cách mạng và tinh thần quyết tâm vì tất cả mọi người! Fidel muôn năm!"
Bất đồng gay gắt với Mỹ bên lề cuộc chiến chống ma túy
Một chiếc máy bay bị đốt cháy trong cuộc truy quét tội phạm ma túy ở Venezuela tháng 5/2012. Ảnh: The NY Times |
Tháng 8/2005, Chavez đã cáo buộc Lực lượng Chống Ma túy Mỹ vì tội gián điệp và chấm dứt việc hợp tác với cơ quan này. Trước đó, chính phủ Mỹ cũng từng phàn nàn về những động thái yếu kém của Venezuela trong việc ngăn chặn quá trình vận chuyển cocaine từ Cobombia tới Mỹ hoặc châu Âu.
Trên mặt trận chống ma túy, quan điểm đối nghịch giữa ông Chavez và Washington chưa bao giờ chấm dứt trong suốt những năm ông cầm quyền.
Ví cựu tổng thống Mỹ George.W. Bush như "quỷ dữ"
Tổng thống Chavez từng lên tiếng nhạo báo Bush một cách chua cay và thâm độc trước cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 20/9/2006, khi gọi cựu tổng thống Mỹ là một "quỷ dữ".
"Hôm qua, quỷ dữ đã tới đây", ông Chavez nói, ám chỉ sự xuất hiện của ông Bush trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc một ngày trước đó. "Ngay tại đây. Ngay chỗ này. Mùi hôi vẫn còn vương vất đâu đây, ngay trước chiếc bàn mà tôi đang đứng."
Sau đó, ông làm dấu thánh, cầu nguyện và ngước nhìn trần nhà.
Chính quyền của tổng thống Bush sau đó đã đáp lại bằng cách cáo buộc Chavez từng cổ vũ phong trào nổi dậy ở Bolivia, ủng hộ phiến quân Colombia, cấu kết với Chủ tịch Fidel Castro và có âm mưu gây ra một cuộc đấu tranh giai cấp ở quê nhà Venezuela, cùng một số tội danh khác. Động thái này đã làm dấy lên những căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã bất hòa giữa Mỹ và Venezuela.
Ông Chavez tới thăm một công ty sản xuất thực phẩm quốc doanh. Ảnh: EPA |
Gọi biên tập viên của BBC là "ngu ngốc"
Chương trình truyền hình Aló Presidente (tạm dịch: Xin chào Tổng thống) được ghi dấu bởi rất nhiều những khoảnh khắc đáng nhớ trong hơn một thập kỷ phát sóng. Được truyền hình trực tiếp ở Venezuela mỗi trưa chủ nhật từ 11h cho tới khi tổng thống Chavez quyết định đóng máy, thời lượng của Aló Presidente dao động từ 4 tới 8 tiếng. Đây là chương trình truyền hình duy nhất trên thế giới mà người đứng đầu nhà nước thường xuyên có mặt trước máy quay. Aló Presidente được đan xen bởi những tiết mục ca hát, nhảy múa và tương tác với khán giả.
Chavez cũng không quên sử dụng chương trình để làm xấu mặt các bộ trưởng từng làm ông thất vọng. Mặc dù chuyên mục hỏi-đáp là một phần không thể thiếu của Aló Presidente, nhưng các phóng viên lại thường không có cơ hội được giải đáp thắc mắc. Trong chương trình ngày tháng 9/2007, khi biên tập viên của BBC, John Sweeney, đặt câu hỏi: "Tại sao người dân Venezuela không chi tiền của họ ngay trên đất nước Venezuela?".
Đáp lại, Chavez tuyên bố: "Đó là một câu hỏi ngu ngốc. Tôi không thể trả lời một câu hỏi ngớ ngẩn như thế. Người cố gắng trả lời một câu hỏi ngu ngốc cũng chính là một kẻ ngu ngốc."
Bị vua Tây Ban Nha 'bịt miệng'
Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Ibero-Mỹ Latin, Santiago hôm 10/10/2007, Chavez đã gọi José María Aznar, cựu thủ tướng Tây Ban Nha, một đồng minh của cựu tổng thống Mỹ George Bush, là một "tên phát xít". Nhà vua Tây Ban Nha, Juan Carlos I, sau khi nghe được điều đó đã giận dữ quay sang Chavez và nói với ông bằng tiếng Tây Ban Nha, rằng "Sao ông không im miệng đi?"
Đáp lại, tổng thống Chavez sau đó đã sử dụng khoảng thời gian được tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega, một đồng minh thân cận của Venezuela, nhường lại, để tuyên bố rằng ông "không bị tổn thương vì đã nói lên sự thật".
'Chủ nghĩa tư bản sẽ giết chết sao Hỏa'
Xuyên suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông Chavez nổi tiếng vì đã rất nhiều lần sử dụng những cách thức lạ lùng để nhấn mạnh sự xấu xa của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tinh hoa, thứ mà ông tin rằng đang ngày càng lan nhanh và rộng hơn, thậm chí có khả năng vượt khỏi phạm vi của trái đất.
"Sẽ chẳng có gì lạ nếu người ta phát hiện ra nền văn minh trên sao Hỏa", ông nói trong một tuyên bố hôm 22/3/2011, "nhưng nếu chủ nghĩa tư bản đã bay tới đó, thì chủ nghĩa đế quốc cũng sẽ có mặt và kết liễu hành tinh ấy".
Tương tự như vậy, ông từng đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản và đế quốc vì đã gây ra những sai lầm cho nước Mỹ, đồng thời nhấn mạnh những lợi ích của chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21: xây dựng các doanh nghiệp nhà nước, đóng cửa các nhà máy tư nhân và thành lập hợp tác xã, cùng một số phương thức khác.
Ám chỉ Mỹ với căn bệnh ung thư
Tháng 12/2011, ông Chavez từng nhận định rằng nước Mỹ có thể liên quan tới căn bệnh ung thư mà ông và nhiều lãnh đạo khác của Nam Mỹ phải đối mặt.
"Thật khó để giải thích những gì đang xảy ra với một số nhà lãnh đạo ở Mỹ Latin", ông Chavez nói trong một tuyên bố được phát trên truyền hình, nhắc tới những vấn đề sức khỏe mà Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Tổng thống Paraguay Fernando Lugo, cùng một số người khác đang phải đối mặt. "Có gì kỳ lạ không khi họ đã phát minh ra kỹ thuật để lây lan căn bệnh ung thư và chúng tôi thì không hề biết gì về nó trong 50 năm?"
'Đệ tử' của Simon Bolivar
Tổng thống Chavez từng tự nhận mình là đệ tử của Simón Bolívar, một quý tộc thế kỷ 19, người đã trả tự do cho phần lớn các quốc gia Nam Mỹ khỏi đế quốc Tây Ban Nha. Để thể hiện sự kính trọng của mình, hồi tháng 4/2012, ông đã cho xây dựng một lăng tẩm cao 17 tầng, lát gạch trắng để lưu giữ hài cốt của người anh hùng dân tộc.
Niềm đam mê của ông với Bolivar cũng từng được thể hiện trước đó, khi vào năm 2010, vị lãnh tụ của Venezuela đã khiến nhiều người rất bất ngờ khi tuyên bố nguyên nhân cái chết của Bolivar tại Colombia hồi năm 1830 là kết quả của một vụ đầu độc, chứ không phải bởi căn bệnh lao, như những gì các sử gia từng tuyên bố.
Tặng căn hộ cho một người theo dõi trên Twitter
Bên trong căn hộ được Chavez trao tặng cho người theo dõi thứ 3 triệu của ông trên Twitter. Ảnh: The NY Times |
Việc đăng ký theo dõi Tổng thống Chavez trên Twitter đôi khi lại đem tới những lợi ích bất ngờ. Mùa hè năm ngoái ông đã tặng một căn hộ mới tinh cho người theo dõi thứ 3 triệu của ông, một thiếu nữ 19 tuổi. Từ thời điểm ông tham gia vào mạng xã hội này hồi tháng 4/2010, ông bắt đầu sử dụng nó để chia sẻ quan điểm của bản thân và chính sách điều hành đất nước.
Theo Quỳnh Hoa (Vnexpress.net/The New York Times)